QĐND - Bên cạnh dự án Phương tiện phối hợp chiến thuật hạng nhẹ nhằm thay thế dòng xe Humvee nổi tiếng trong lực lượng tác chiến mặt đất, quân đội Mỹ mới đây cũng tăng cường đầu tư phát triển các phương tiện vận tải hạng nặng nhằm phục vụ cho các hoạt động quân sự trong và ngoài nước.
Humvee – Biểu tượng một thời
Humvee là tên gọi tắt của High Mobility Multipurpose Wheeled Vehicle (HMMWV - xe đa dụng với tính năng di động cao) do hãng American Motors Corporation (AM General) sản xuất từ năm 1980, nhằm thay thế những chiếc Jeep trong quân đội Mỹ. Đây là phương tiện vận tải chiến thuật hạng nhẹ đa chức năng, có thể được sử dụng để tuần tra, trinh sát, chiến đấu, làm phương tiện đột kích hạng nhẹ, tải thương… Theo Wikipedia, điểm nổi bật của dòng xe này là có khung sườn chịu lực tốt, tải trọng lớn (từ 1.200 kg đến 2.200kg tùy phiên bản), vận hành tốt trên nhiều loại địa hình và có thể được vận chuyển dễ dàng bằng máy bay. Ngoài ra, Humvee có thể được lắp thêm súng máy, pháo hạng nhẹ, tên lửa hay thiết bị dò tìm định vị... Tính đến nay có tổng cộng 240.000 chiếc Humvee xuất xưởng theo đơn đặt hàng của quân đội Mỹ với 17 biến thể khác nhau. Mẫu xe này còn được phát triển thêm biến thể sử dụng bánh xích để di chuyển trên băng tuyết. Mỗi chiếc Humvee có giá từ 65.000 - 140.000 USD, tùy phiên bản và trang thiết bị đi kèm.
 |
Một kiểu thiết kế của dòng xe JLTV. Nguồn: lockheedmartin.com
|
Chỉ một năm sau khi mẫu Humvee đầu tiên - chiếc M998 ra đời, chính phủ Mỹ đã đặt hàng 55.000 chiếc Humvee các loại để trang bị cho quân đội Mỹ. Năm 1989, khi Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự tại Pa-na-ma, Humvee lần đầu tiên tham chiến và ngay lập tức trở thành lực lượng xe cơ giới bộ binh hạng nhẹ chủ lực trong quân đội Mỹ. Khoảng 10.000 chiếc Humvee đã được liên quân sử dụng trong hai cuộc chiến vùng Vịnh. Humvee là phương tiện góp mặt trong hầu hết mọi hoạt động trên bộ của quân đội Mỹ. Qua hàng chục năm phục vụ, chiếc xe này đã trở thành một trong những biểu tượng của bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ. Ngoài ra, Humvee cũng được hơn 50 quốc gia trên thế giới sử dụng.
Dự án Phương tiện phối hợp chiến thuật hạng nhẹ
Tuy nhiên, dù là mẫu xe vũ trang được ưa chuộng nhất bởi tốc độ và khả năng chinh phục tốt các địa hình hiểm trở, thiết kế của chiếc xe vẫn chưa đủ chắc chắn để đối phó với bom và mìn tự chế gài bên đường. Khi tham chiến tại Áp-ga-ni-xtan, nhiều lính Mỹ đã bị thương vong trong các cuộc phục kích, dù đang ở trên những chiếc Humvee. Quân đội Mỹ đã phải tính đến việc sử dụng một mẫu xe mới có thể chống mìn, mang tên MRAP. Tuy nhiên, theo Đại tá Giôn Ca-vi-đô (John Cavedo), Giám đốc Dự án Phương tiện phối hợp chiến thuật hạng nhẹ nhận xét trên trang Công nghệ quân sự: “Humvee tuy có thể đáp ứng được nhu cầu chuyên chở nhưng nó lại hạn chế trong việc chống lại những mối đe dọa trên chiến trường. Xe MRAP tuy đã được bọc giáp một vài nơi và cũng có khả năng chuyên chở nhưng lại không đủ độ linh hoạt. Xe chiến thuật tác chiến hạng nhẹ (JLTV) sẽ là sự kết hợp của MRAP và Humvee, do vẫn giữ được khả năng chuyên chở và tác chiến linh hoạt trên chiến trường”.
Một tài liệu của chuyên gia trong lực lượng Lục quân Mỹ An-đriu Phê-ích-cớt (Andrew Feickert) cho biết, dự án JLTV được thông qua vào tháng 11-2006. Đến cuối tháng 8 năm 2012, có 3 nhóm đạt được hợp đồng phối hợp tham gia giai đoạn Kỹ thuật và phát triển sản xuất (EMD) của dự án đó là: AM General, LLC; Lockheed Martin và Oshkosh với tổng giá trị hợp đồng lên tới 185 triệu USD. Ngân sách được yêu cầu cung cấp cho những nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá thuộc dự án này trong năm tài khóa 2013 là 116,8 triệu USD, trong đó 72,3 triệu USD phân bổ cho Lục quân và 44,5 triệu USD cho Lực lượng lính thủy đánh bộ. Đây được xem là một trong những khâu trọng điểm trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội Mỹ.
Theo yêu cầu của dự án, xe thiết giáp hạng nhẹ thuộc dự án JLTV phải có khả năng cơ động và chỉ số an toàn cao. Dòng xe này cũng được thiết kế để phục nhiều nhiệm vụ khác nhau và có khả năng chuyên chở từ 4-6 người. Xe JLTV mới phải có tầm hoạt động khoảng 480km và tốc độ di chuyển tối đa không dưới 70km/h. Ngoài ra, JLTV cũng phải duy trì được khả năng hoạt động kể cả khi bị hỏng hệ thống làm mát, đường ống dẫn dầu hoặc khi xe bị thủng lốp. Thiết kế của JLTV bao gồm các dạng: Xe chiến đấu bộ binh, xe chỉ huy, xe trinh sát và xe bọc thép đa dụng. Đặc biệt, xe JLTV phải dễ dàng được vận chuyển bằng các máy bay vận tải C-130 Hercules hoặc trực thăng CH-47, CH-57, VH-47. Thậm chí, phiên bản làm nhiệm vụ cứu thương của JLTV cần thiết kế để có thể đổ bộ bằng dù.
Trang mạng gizmag.com đưa tin, ngoài JLTV, tập đoàn Oshkosh mới đây đã cho ra mắt một trong những phương tiện thay thế tiềm năng cho Humvee với tên gọi Phương tiện tác chiến hạng nhẹ trên mọi địa hình (Light Combat Tactical All-Terrain Vehicle) hay L-ATV. L-ATV được đánh giá là bọc thép tốt hơn so với Humvee. L-ATV được thiết thiết kế dạng mô-đun cho phép mở rộng và nâng cấp công nghệ trong tương lai.
Tăng cường đầu tư
Trang Nhật báo Công nghiệp quốc phòng cho biết, mới đây, Quân đội Mỹ đã đặt hàng Tập đoàn Oshkosh phát triển hàng loạt phương tiện vận tải hạng nặng, kế hoạch nhận chuyển giao và biên chế trong các năm 2012 và 2013 nhằm tăng cường khả năng vận tải cho các hoạt động tác chiến trong và ngoài nước. Theo đó, Thủy quân lục chiến Mỹ đã ký một hợp đồng trị giá 125 triệu USD với Oshkosh để sản xuất 200 xe kéo và 70 xe cứu hộ nhằm thay thế các xe sắp hết hạn sử dụng. Bên cạnh đó, Bộ tư lệnh quản lý xe chiến thuật Lục quân Mỹ còn ký kết với Tập đoàn Oshkosh sản xuất và chuyển giao cho Lục quân 400 xe tải và xe moóc chiến thuật hạng trung FMTV cũng như 270 xe vận tải hạng nặng HET A1 trong năm 2012 và 2013.
Theo AFP, dù quy mô quân đội đã được thu nhỏ hơn và tinh thần chung là cắt giảm chi tiêu tối đa, tuy nhiên giới lãnh đạo Mỹ vẫn cho rằng, trong một thế giới luôn biến động, quân đội Mỹ cũng sẽ thay đổi để thích nghi. "Quân đội của chúng ta sẽ gọn nhẹ hơn, nhưng thế giới cần hiểu rằng Mỹ sẽ vẫn duy trì vị thế siêu cường quân sự" , Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (B. Obama) từng tuyên bố. Thêm vào đó, giới chuyên gia cũng cho rằng, sau những vấp váp tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, Mỹ cần phải củng cố lại "phong độ" của một cường quốc quân sự nếu muốn chuyển hướng chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Chính phủ của Tổng thống Ô-ba-ma chi mạnh tay cho kế hoạch thay thế và hiện đại hóa các xe chiến đấu bộ binh tại các đơn vị chiến đấu chiến lược nhằm tăng cường khả năng bảo vệ và cơ động trong năm 2012.
NGỌC THƯ