QĐND Online - Nhật Bản dự kiến trong 5 năm tới sẽ khởi động chương trình phát triển chiến đấu cơ mới được một số chuyên gia Mỹ đánh giá mang nhiều đặc điểm kỹ-chiến thuật của máy bay chiến đấu thế hệ 6.

Máy bay chiến đấu thế hệ mới sẽ mang động cơ mạnh mẽ, hệ thống thiết bị điện tử tích hợp trên khoang thông minh và nhiều tính năng vượt trội so với các dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 hiện nay. Tuy nhiên, khả năng Nhật Bản tự mình phát triển và sản xuất hàng loạt một dòng chiến đấu cơ thế hệ 6 nội địa là rất thấp và nhiều khả năng đây sẽ là dự án hợp tác Mỹ-Nhật. Ngoài ra, như thường lệ, máy bay thế hệ 6 sẽ được chế tạo tại Mỹ.

Những thông tin đầu tiên về chiến đấu cơ thế hệ mới của Nhật

Với tên mã là F-3, Nhật Bản dự kiến phát triển chiến đấu cơ mới trong giai đoạn 2016-2017; ra mắt mẫu thử đầu tiên trong giai đoạn 2024-2025 và bắt đầu quy trình chế tạo hàng loạt từ năm 2027. Các mốc kế hoạch nói trên đã được Bộ Quốc phòng Nhật tính toán trong một kế hoạch tổng thể mua tới 200 chiến đấu cơ thế hệ mới (con số do Aviation Week đăng tải).

Mẫu thử ATD-X Shinshin. Ảnh: Jane's Defence Weekly. Thân máy bay dài: 14m, cao 4m, sải cánh dài 14m.

Chiến đấu cơ F-3 sẽ thay thế cho 78 chiến đấu cơ  Mitsubishi F-2 (dựa trên công nghệ chiến đấu cơ F-16) và 188 máy bay F-15J/DJ Eagle/Kai hiện có của không quân Nhật trong tương lai. Chiến đấu cơ thế hệ mới sẽ hoạt động cùng với chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 Lightning II quân đội Nhật đặt mua từ Mỹ (đã ký hợp đồng mua 42 máy bay).

Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ (TRDI) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật đã bắt tay vào phát triển giai đoạn sơ bộ chiến đấu cơ nội địa thế hệ mới từ năm 2010. Máy bay chiến đấu mới sẽ sử dụng nhiều công nghệ của dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 ATD-X Shinshin (dự án có thể chỉ dừng lại ở mức cho ra mắt các mẫu thử công nghệ).

Thực chất, ATD-X là từ viết tắt của Advanced Technology Demonstrator - X (mẫu thử công nghệ mới chưa có tên mã). Chuyến bay dự kiến của ATD-X được lên kế hoạch thực hiện vào năm 2014. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật không có kế hoạch chế tạo hàng loạt dòng chiến đấu cơ thế hệ mới này mà chỉ đơn thuần coi đây là điểm mốc khẳng định Nhật có thể tự chế tạo sản phẩm quân sự công nghệ cao.

Công nghệ kế thừa đang chú ý của F-3 từ ATD-X là hệ thống kiểm soát thiệt hại trên máy bay SRFCC (Self Repairing Flight Control Capability). Điểm chú ý của công nghệ này là việc máy tính trung tâm của máy bay sẽ nhận thông tin từ hệ thống cảm biến để đánh giá tình trạng của máy bay và đưa ra phương án hoạt động tối ưu nhất.

Khả năng tàng hình của F-3 sẽ sự kết hợp của thiết kế hình dạng máy bay, hệ thống cảm biến điện tử thụ động, vật liệu hấp thụ sóng ra-đa và vật liệu compusite... Ra-đa hàng không trên khoang của F-3 sẽ là dòng ra-đa mảng định pha chủ động đa chế độ (AESA) JAPG-1 và nhiều thiết bị điện tử tiên tiến chưa được công bố.

Mô hình tính toán của ATD-X.

Mặt khác, để có động cơ mới mạnh mẽ hơn, nhưng giảm phát xạ hồng ngoại, tập đoàn IHI (Nhật) đã nhận phát triển dòng động cơ phản lực mới có công suất đẩy 15 tấn. Để so sánh, động cơ F119-PW-100 trang bị trên F-22 chỉ có công suất đẩy đạt 10,7 tấn và 15,9 tấn ở chế độ đốt tăng lực. Động cơ mạnh mẽ sẽ giúp F-3 có trọng lượng cất cánh lớn (F-15J có trọng tải cất cánh tối đa đạt 30,8 tấn).

Thông thường, mẫu thử công nghệ luôn có kích thước nhỏ hơn so chiến đấu cơ phiên bản tiêu chuẩn do chúng không có trang bị điện tử và vũ khí. Như vậy, kích thước của F-3 nhiều khả năng sẽ lớn hơn mẫu thử công nghệ của ATD-X và tương đương với F-15J.

Trong năm 2013, Bộ Quốc phòng Nhật dự kiến chi ra 4,5 tỷ yên (trong tổng số 17,2 tỷ yên) để phát triển động cơ trang bị trên F-3. Động cơ mới sẽ ra mắt trong năm 2015 và sẵn sàng từ năm 2017. Quân đội Nhật cũng có ý định tăng công suất động cơ mới thông qua việc tăng nhiệt độ không khí hút vào từ cửa hút khí của động cơ để F-3 có thể đạt tốc độ bay tối đa tới Mach 3 (gấp 3 lần tốc độ âm thanh). Để làm được điều này, các chuyên gia Nhật cần tìm ra vật liệu chịu nhiệt mới cho cửa hút khí và turbin nén khí trong động cơ.

Khi bay, nhiệt độ không khí qua cửa hút khí của máy bay đều rất cao. Khi vượt qua ngưỡng nhiệt độ nhất định nó sẽ làm cửa hút và turbin nén của động cơ nóng lên (có thể bị phá hủy) và việc nén không khí nóng trước khi bơm vào buồng đốt sẽ làm giảm hiệu suất của động cơ. Chính vì lý do này, động cơ phản lực dạng turbin rất ít được sử dụng trên các phương tiện bay siêu thanh.

Mặc dù chưa định hình F-3 là chiến đấu cơ thế hệ nào, nhưng căn cứ vào thông tin ban đầu, đây sẽ là chiến đấu cơ thế hệ 6. Năm 2011, tạp chí quân sự Janes đã loan tin, Nhật bắt tay vào phát triển công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ 6 và tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries sẽ được tham gia trong quá trình chế tạo dòng chiến đấu cơ này.

Giới quân sự đánh giá, phát triển F-3 là bước đi của Nhật giúp nước này cân bằng sức mạnh với các quốc gia trong khu vực vì từ năm 2020 trở đi, một loạt chiến đấu cơ thế hệ 5 sẽ xuất hiện ở khu vực Đông Á.

Hợp tác phát triển là cần thiết

Theo thông tin được Nhật công bố ở trên, thời điểm F-3 xuất hiện cũng tương đồng với thời điểm chiến đấu cơ thế hệ 6 của không quân và hải quân Mỹ ra mắt. Tháng 1-2011, không quân và hải quân Mỹ đã hợp tác đưa ra những yêu cầu đối với chiến đấu cơ thế hệ 6 sẽ xuất hiện trong giai đoạn 2025-2030. Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, F-3 sẽ chỉ dừng ở mức mẫu thử công nghệ và phía Nhật sẽ mua chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 từ Mỹ.

Những yêu cầu đối với chiến đấu cơ thế hệ 6 của hải quân Mỹ có nhiều nét tương đồng với không quân nước này. Cụ thể, hải quân Mỹ muốn có dòng chiến đấu cơ hoạt động trên boong mới có khả năng giành ưu thế trên không, dải nhiệm vụ rộng và kết nối tốt hơn với máy bay cảnh báo sớm trong các  nhiệm vụ chiến đấu.

Gần đây, hai hãng chế tạo Boeing và Lockheed Martin đã công bố khái niệm về chiến đấu cơ thế hệ 6 tự phát triển, trong đó khái niệm của hãng Boeing có thể đáp ứng được nhiều yêu cầu của hải quân Mỹ đề ra. Máy bay thế hệ 6 sẽ tồn tại song song hai phiên bản là có người lái và không người lái. Trong khi đó, hồi tháng 1-2012, Lockheed Martin đã công bố khái niệm về chiến đấu cơ thế hệ 6 của mình với tính cách mạng cao với nhiều công nghệ đáng chú ý như: Khả năng tự phục hồi cấu trúc và tàng hình đa phổ. Điểm đáng chú ý nữa là chiến đấu cơ thế hệ 6 của Lockheed Martin sử dụng động cơ phản lưc mới hoạt động theo chu kỳ (ADVENT). Theo đó, động cơ mới sẽ có thêm cửa hút thứ 3 hoạt động theo chu kỳ bỏ qua máy nén và buồng đốt . Khi máy bay cất và hạ cánh, cửa hút này sẽ được đóng lại để động cơ cung cấp lực đẩy tối đa, còn khi bay ở tốc độ siêu thanh, cửa này sẽ được mở giúp tăng lực đẩy và giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ.

Hình ảnh đồ họa chiến đấu cơ thế hệ 6 F/A-XX do hãng Boeing thiết kế.

Nếu Mỹ bắt tay vào phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6, Nhật sẽ tham gia. Những công nghệ thu được từ quá trình phát triển F-3 sẽ được đưa vào chương trình này. Cùng tham gia với Mỹ, Nhật sẽ bỏ dự định phát triển động cơ phản lực của riêng mình để sử dụng công nghệ của người Mỹ. Như vậy, chiến đấu cơ thế hệ 6 của Mỹ và Nhật sẽ chỉ khác nhau trang bị điện tử trên khoang, tương tự như F-15J (Nhật) và F-15C/D (Mỹ).

Nhiều khả năng, các chương trình ATD-X và F-3 của Nhật chỉ là những nỗ lực tự lực quốc phòng của nước này khi trong nhiều thập kỷ phụ thuộc vào công nghệ quốc phòng nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài ra, việc Mỹ chuyển giao công nghệ theo nhiều giai đoạn cho phía Nhật cũng làm các sản phẩm quân sự chế tạo nội địa ở Nhật có giá thành cao hơn nhiều so với sản phẩm nhập khẩu trực tiếp.

Tuấn Sơn (theo Lenta)