QĐND Online - Cuối tháng 12-2011, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ quyết định chương trình mua hơn 40 máy bay chiến đấu, ước tính khoảng 6 tỉ đô la. Boeing, Lockheed Martin, Eurofighter đều đã nộp hồ sơ dự thầu vào đầu tháng 10-2011. Vì sao Nhật phải tăng cường lực lượng không quân? Chương trình này sẽ tác động như thế nào đến an ninh trong khu vực Đông Á?
Vấn đề chiến lược
Ngoài lợi ích cho ngành công nghiệp máy bay quân sự tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, chương trình làm mới máy bay của Nhật đặt ra là một vấn đề chiến lược, đó chính là thế cân bằng không quân trong khu vực Đông Á.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng 12,7% trong năm 2011, đạt tổng số 601,1 tỉ nhân dân tệ (tương đương 65,6 tỉ euro). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số thực còn cao hơn nhiều.
 |
Ảnh minh họa/ Internet
|
Trong sự gia tăng này, Trung Quốc ưu tiên nhiều chương trình hàng đầu, trong đó đặc biệt phải kể đến việc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình-ném bom J-20, được các chuyên gia nhận định là đối thủ của các máy bay chiến đấu tàng hình F-22A Raptor của Mỹ.
Để thay thế đội bay gồm các máy bay F-4 Phantom và F-15 Eagles, Nhật Bản có kế hoạch mua từ 40 đến 60 máy bay mới. Tokyo đang do dự giữa các loại máy bay chiến đấu F-18 Super Hornet của Boeing, F-35 Lightning II của Lockheed Martin và Typhoon của Eurofighter. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa tuyên bố, gói thầu tìm mua máy bay mới sẽ có một sự lựa chọn “mở” dựa trên các thông số kỹ thuật và không liên quan đến chính trị.
Boeing hứa sẽ cung cấp cho các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản sản xuất ít nhất 75% thiết bị của máy bay F-18, loại máy bay rẻ nhất nhưng cũng là lỗi thời nhất so với các đối thủ cạnh tranh. Vận động hành lang cho gói thầu, Eurofighter cam kết sẽ chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất Nhật Bản nếu Typhon giành được hợp đồng. Tuy nhiên, Tokyo không dành nhiều cơ hội cho châu Âu. Dưới thời thủ tướng Hatoyama, mỗi quan hệ giữa Tokyo và Washington lạnh nhạt đi rất nhiều, vì thế trong thời gian tới, Nhật sẽ có gắng "giảng hoà" với Mỹ. Hiện tại, các thỏa thuận quốc phòng với Mỹ vẫn là xương sống của quốc phòng Nhật Bản, và các nhà sản xuất Nhật Bản luôn nhận thức được điều này.
Mối đe dọa cho thế cân bằng trong lĩnh vực không quân
Theo sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản, các máy bay chiến đấu của Nhật đã lỗi thời từ nhiều năm nay. Lực lượng phòng không Nhật Bản có 202 chiếc Mitsubishi-Boeing F-15J, 93 Mitsubishi F-2 và 67 chiếc Mitsubishi-McDonnell Douglas F-4EJ Kai Phantom đều tương đối lỗi thời. Nga và Trung Quốc dường như đã nhận ra những điểm yếu của lực lượng phòng không Nhật Bản. Trong khi đó, số lượng máy bay cất cánh khẩn cấp để ngăn chặn những kẻ xâm nhập từ Trung Quốc hoặc Nga tại không phận Nhật Bản đã tăng mạnh trong những năm gần đây (năm 2010, tổng cộng là 386 lần, con số cao nhất kể từ năm 1991). Cùng với Ấn Độ, Nga hiện đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50 (PAK FA), trong khi Trung Quốc cũng đang phát triển mới thế hệ thứ năm máy bay chiến đấu đa nhiệm J-20.
Để “phòng ngừa”, Nhật Bản cũng đã có những động thái củng cố khả năng phòng thủ các mối nguy cơ đến từ hướng Đông. Trong kế hoạch quốc phòng mười năm tới, Tokyo có kế hoạch giảm số quân tại các hòn đảo phía bắc Hokkaido để thành lập các đơn vị chiến đấu với khả năng cơ động cao để có thể nhanh chóng triển khai không chỉ ở các đảo phía Nam mà còn trên các đảo tại khu vực tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản đã tính đến việc tăng cường hạm đội tàu ngầm, mua máy bay chiến đấu mới và mở rộng căn cứ quân sự ngoài đảo Okinawa và thay thế một số máy bay F-4 Phantom bằng máy bay F-15, nhất là ở căn cứ Naha.
Tokyo sẽ tiếp tục liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ, quốc gia thấy được thiện chí của Nhật Bản từ vài tháng qua. Về vấn đề này, có vẻ Nhật Bản đang thực hiện chiến lược trở thành một đối tác quân sự của Mỹ. Các cuộc điện đàm giữa hai bên trong tháng 12-2010 hầu hết nhằm mục đích chia sẻ thông tin tình báo.
Cùng với đó, Lầu Năm góc cũng đang tích cực tham gia vào một cuộc đấu tranh chính trị hậu trường để có thể tăng cường lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á, trong đó có máy bay chiến đấu tàng hình và căn cứ không quân mới nhằm hỗ trợ cho các lực lượng của Nhật Bản.
Ngọc Minh (tổng hợp)