QĐND - Căn cứ đầu tiên ở nước ngoài của Lực lượng phòng vệ (SDF) Nhật Bản ở Cộng hòa Gi-bu-ti, một quốc gia ở Đông Phi đã bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1-6 nhằm gia tăng đóng góp của đất nước mặt trời mọc vào cuộc chiến chống hải tặc bên bờ biển Xô-ma-li.
Gi-bu-ti có vị trí chiến lược tiếp giáp với vịnh A-đen, nằm giữa các nước A-rập và các nước châu Phi. Căn cứ của SDF sẽ là cứ điểm hoạt động tuần tra, giám sát đối phó với hải tặc. Nhật Bản bắt đầu tham gia hoạt động chống nạn cướp biển cùng với cộng đồng quốc tế vào tháng 6-2009. Hiện nay, theo thỏa thuận với chính phủ nước cộng hòa Gi-bu-ti, 2 tàu khu trục và 2 máy bay tuần tra P3C sẽ đồn trú theo ca ở phía Đông Bắc châu Phi. Quân số chung của nhóm thủy thủ, phi công và binh lính lực lượng lục quân là khoảng 200 người. Căn cứ này được xây dựng trên khu diện tích rộng 12ha. Tại căn cứ, một nhà để máy bay được xây dựng dùng cho việc bảo dưỡng trang, thiết bị hàng không, cộng thêm một doanh trại quân đội dành cho binh lính, quán cà phê và phòng tập thể thao. Căn cứ quân sự mới của Nhật Bản nằm cạnh căn cứ không quân của Mỹ. Chi phí xây dựng căn cứ ở Gi-bu-ti đạt khoảng 4,7 tỷ yên (58 triệu USD), thông tấn xã Itar-Tass của Nga đưa tin.
 |
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản tập trận chung với hải quân Phi-líp-pin chống cướp biển ở vịnh Ma-ni-la. Ảnh: AP
|
Đây là “căn cứ đồn trú ở nước ngoài” đầu tiên sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai mà Nhật Bản sở hữu. Bộ chỉ huy quân sự Nhật Bản khẳng định “cần thiết phải tăng cường nỗ lực trong cuộc chiến chống hải tặc trên vịnh A-đen, nơi có khoảng 20.000 tàu chở hàng qua lại mỗi năm”. Khoảng 10% trong số này là tàu chở dầu và chở hàng của Nhật Bản và thường xuyên bị hải tặc tấn công. Vì thế, “an toàn trên vùng vịnh này có ý nghĩa lớn đối với Nhật Bản và sự ổn định trong khu vực này bảo đảm những lợi ích quốc gia của Tô-ki-ô”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định. Những lý do khác là các cường quốc như Mỹ, Pháp cũng có căn cứ tại Gi-bu-ti. Hiện Nhật đã triển khai nhiều máy bay tuần tra dọc theo bờ biển Xô-ma-li cũng như vùng eo biển, trong khi 150 quân của họ phải đóng nhờ tại căn cứ của Mỹ.
Theo các nhà phân tích quân sự, Nhật Bản đã tiến thêm một bước nữa trong nỗ lực khuếch trương ảnh hưởng quân sự ở tầm quốc tế. Trên thực tế, căn cứ Gi-bu-ti còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều đối với sự phát triển của quân đội Nhật Bản nói riêng và vị thế của xứ sở mặt trời mọc nói chung trên trường quốc tế. Căn cứ trên đóng vai trò bước ngoặt đối với Nhật Bản, nước không có quân đội chính thức kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai cho mãi tới gần đây. Theo Hiến pháp hòa bình được thông qua năm 1947, Nhật Bản không được duy trì quân đội và các tàu chiến thường trực ở nước ngoài. Tuy nhiên vào tháng 10-2001, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 ở Mỹ, các nhà lập pháp Nhật Bản đã thông qua Luật Chống khủng bố cho phép gửi tàu chiến và binh sĩ ra nước ngoài. Gần đây, cùng với sự lớn mạnh về kinh tế và chính trị, Nhật Bản đang nỗ lực khẳng định vị thế trên những lĩnh vực khác, cụ thể là về quân sự. Với gần 240.000 quân nhân và ngân sách hằng năm gần 50 tỷ USD - đứng thứ 5 thế giới (theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào năm 2007), quân đội Nhật Bản vượt qua Anh tính về ngân sách và nhân lực, trong khi hải quân của xứ sở hoa anh đào đặc biệt được giới chuyên gia đánh giá cao bởi tính hiện đại của lực lượng này. Trước tình hình an ninh ở châu Á đang thay đổi cũng như trước sức mạnh quân sự gia tăng ở một số nước trong khu vực, Nhật Bản càng muốn thúc đẩy nhanh hơn nữa chương trình quân sự của mình. Việc tăng cường quân sự cũng là cách để Nhật thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ, nhất là khi các căn cứ quân sự của Mỹ tại Ô-ki-na-oa đang bị người dân địa phương phản đối. Để làm được điều đó, Nhật Bản buộc phải thay đổi luật pháp, trong đó cho phép nước này phòng thủ tập thể, đưa quân ra nước ngoài trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình, giải quyết các xung đột khu vực. Dựa trên thay đổi đó, Cục Phòng vệ được nâng cấp thành Bộ Quốc phòng vào đầu năm 2007, và tiếp theo là những sứ mệnh quốc tế khác, đặc biệt là chống cướp biển tại vịnh A-đen.
Việt Anh