QĐND Online - Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét trong vòng 5 năm tới sẽ đầu từ vào dự án phát triển chiến đấu cơ nội địa thế hệ mới F-3. Theo tuần báo Aviation Week, quá trình chế tạo F-3 quy mô công nghiệp sẽ được bắt đầu từ năm 2017. Chiến đấu cơ nội địa thế hệ mới của Nhật sẽ có tính năng nằm giữa chiến đấu cơ F-35 và F-22 của Mỹ. Đặc điểm cơ bản của chiến đấu cơ nội địa mới của Nhật là trang bị động cơ mạnh mẽ và tính tàng hình.

Hiện tại, công ty Mitsubishi Heavy Industries đang phát triển mẫu thử của dự án chiến đấu cơ thế hệ mới ATD-X Shinshin. Mẫu thử đầu tiên của ATD-X sẽ ra mắt vào năm 2014. Tuy nhiên, tên gọi của dòng chiến đấu cơ thế hệ mới này thường được biết tới với tên gọi F-3. Trong tương lại, F-3 sẽ thay thế cho các đơn vị F-2 (dựa trên nguyên bản chiến đấu cơ F-16 của Mỹ) và F-15J/DJ Eagle. Dự án này của Nhật sẽ được thực hiện song song với hợp đồng mua chiến đấu cơ F-35.

Mẫu thử khí động được cho là của ATD-X Shinshin.

Quá trình phát triển F-3 sẽ được bắt đầu trong giai đoạn 2016-2017 và mẫu thử đầu tiên của dòng chiến đấu cơ này sẽ xuất hiện trong giai đoạn 2024-2025. Theo thông tin sơ bộ, F-3 sẽ chỉ có phiên bản có người lái. Dự kiến, không quân Nhật sẽ mua khoảng 200 máy bay F-3 và chúng sẽ bổ sung cho hợp đồng mua 42 chiến đấu cơ F-35 đã ký với Mỹ (tiếp nhận tới năm 2030).

Các giai đoạn sơ bộ của F-3 đã được thực hiện từ năm 2010 với việc nhiều công nghệ hàng không hiện đại đã được Nhật mua lại từ Mỹ. Dựa trên những nền tảng hiện có, công ty IHI dự định phát triển động cơ phản lực có công suất 15.000 mã lực. Để so sánh, F135 trang bị trên F-35 có tổng công suất 12.700 mã lực và 19.500 mã lực ở chế độ đốt tăng lực. Động cơ mới của Nhật sẽ sử dụng thiết kế cửa xả kiểu "răng cưa" của F-22 để giảm phát xạ hồng ngoại.

Nhiều thông tin khác về chiến đấu cơ thế hệ mới của Nhật vẫn đang nằm trong vòng tranh cãi. Theo các thông tin sơ bộ, ATD-X Shinshin sẽ được sử dụng công nghệ tàng hình và động cơ thay đổi véc-tơ lực đẩy. Ngoài ra, Shinshin còn được trang bị máy tính trung tâm có thể tính toán thiệt hại của máy bay để tối ưu khả năng chiến đấu còn lại.

Hồng Anh (theo Lenta)