QĐND - Quân đội Mỹ hiện đang sở hữu “bộ sưu tập” các loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 hiện đại mà không ít quốc gia mơ ước gồm F-22 Raptor, F-35 Lightning II. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của các "đối thủ" cùng thế hệ như Sukhoi T-50 của Nga hay thậm chí J-20 của Trung Quốc đã khiến người Mỹ không thể không nghĩ đến việc nghiên cứu phát triển các mẫu máy bay thế hệ thứ 6 với các tính năng ưu việt hơn để giữ vững ưu thế về không quân của mình.
 |
Hình ảnh đồ họa chiến đấu cơ thế hệ 6 F/A-XX do hãng Bô-ing thiết kế. Ảnh: ST |
Hiện nay, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 đang được người Mỹ nghiên cứu ở giai đoạn “khái niệm”-giai đoạn định hình các tính năng kỹ, chiến thuật cũng như các công nghệ dự kiến sẽ sử dụng. Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 có "hình hài" thế nào, tính năng ra sao? Có nhiều quan điểm khác nhau nhưng nhìn chung, các chuyên gia quân sự đều thống nhất, trước tiên, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 phải có tốc độ "bội siêu thanh" (tức là gấp nhiều lần tốc độ âm thanh); có thể có khả năng điều chỉnh hình dạng trong quá trình bay để giảm tiết diện và tạo thuận lợi trong điều khiển khi hoạt động ở tốc độ cao. Ngoài ra, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 có thể được tích hợp cả 2 chế độ điều khiển (có người lái và không người lái) để bảo đảm khả năng cơ động với tốc độ cao trong điều kiện dài ngày, vượt quá khả năng chịu đựng của phi công. Và đương nhiên, loại máy bay này rất có thể sẽ được ứng dụng công nghệ tàng hình hiện đại nhất cũng như những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực điện tử để đủ sức vượt qua các cuộc tấn công điện tử từ đối phương; được trang bị các hệ thống vũ khí tối tân (ví dụ như vũ khí năng lượng định hướng; vũ khí la-de…) nhằm bảo đảm khả năng tiến công cũng như phòng thủ tổng hợp. Bên cạnh đó, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 sẽ có khả năng tự xử lý và phân tích các thông tin thu được mà không cần sự can thiệp của con người, có khả năng ứng dụng hệ thống tự động nhận định mục tiêu…
Hãng Bô-ing của Mỹ đã thiết kế và trình diễn mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 có tên F/A-XX. Theo đó, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 F/A-XX có hai động cơ, hai chỗ ngồi, có khả năng “siêu cơ động”. Để giảm khả năng bị phát hiện bởi các loại ra-đa hiện đại của đối phương, các điểm nối ghép giữa cánh và thân máy bay sẽ được thiết kế “liền” nhau đến mức gần như tuyệt đối để không tạo ra những khe hở. Máy bay F/A-XX cũng sẽ không được thiết kế phần đuôi nằm ngang như thông thường (cơ chế không đuôi). Trên máy bay chiến đấu F/A-XX sẽ được trang bị vũ khí la-de công suất lớn và vũ khí điện từ. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị tên lửa có tốc độ bay siêu thanh.
Năm 2011, hãng Bô-ing cũng đã giới thiệu hình ảnh khái niệm máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 mới nhất F-X. Điểm đáng chú ý ở F-X là hệ thống năng lượng mới có nguyên lý hoạt động tương tự như ở ô tô hybrid và một động cơ siêu hiệu quả có chu trình làm việc hỗn hợp, thích ứng tốt trong cả điều kiện bay với tốc độ cao cũng như bay chậm. Các bộ tích điện của hệ thống năng lượng có nhiệm vụ tích trữ điện năng từ động cơ chính để cung cấp cho vũ khí năng lượng định hướng và các hệ thống cơ khí khác. Nhờ vậy, có thể trang bị cho F-X các loại vũ khí như la-de sát thương năng lượng cao, vũ khí vi-ba để thiêu cháy ra-đa của đối phương… Các hệ thống điện trên F-X còn chuyển hóa nhiệt từ động cơ phản lực thành điện năng cung cấp cho các bộ tích điện, nhờ đó giảm được mức độ bộc lộ của máy bay ở dải hồng ngoại. Do vậy, máy bay F-X sẽ có các đặc tính tàng hình ra-đa tương tự như ở máy bay F-22 Raptor và F-35 Lightning II nhưng có đặc tính tàng hình nhiệt tốt hơn hẳn. Tuy vậy, những kỹ thuật nêu trên là rất phức tạp và đắt tiền, khiến không ít chuyên gia nghi ngờ khả năng thành công của F-X trên thực tế.
Đầu năm 2012, hãng Lốc-hít Mác-tin của Mỹ cũng đã công bố khái niệm chiến đấu cơ thế hệ 6 của mình với nhiều công nghệ đáng chú ý như khả năng tự phục hồi cấu trúc và tàng hình đa phổ. Điểm đáng chú ý nữa là chiến đấu cơ thế hệ 6 của Lốc-hít Mác-tin sử dụng động cơ phản lực mới hoạt động theo chu kỳ. Theo đó, động cơ sẽ có thêm cửa hút thứ 3 hoạt động theo chu kỳ bỏ qua máy nén và buồng đốt. Khi máy bay cất và hạ cánh, cửa hút này sẽ được đóng lại để động cơ cung cấp lực đẩy tối đa. Còn khi bay ở tốc độ siêu thanh, cửa này sẽ được mở giúp tăng lực đẩy và giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ…
HOÀNG VĂN CHIẾN