Mẫu vẽ giả định so sánh loại trực thăng tàng hình với loại trực thăng thường của Mỹ. Ảnh: Xinhuanet

QĐND - Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Pa-ki-xtan (ISI), Trung tướng A.S.Pa-sa (Ahmad Shuja Pasha) vừa phải điều trần trước quốc hội, để nhận trách nhiệm về thất bại của ngành tình báo do đã không phát hiện được trùm khủng bố Bin La-đen (Bin Laden) sống tại thị trấn A-bô-ta-bát (Abbottabad) cũng như vụ đặc nhiệm Mỹ đột kích tiêu diệt Bin La-đen hôm 2-5. Giải thích về sự thâm nhập của trực thăng Mỹ vào không phận Pa-ki-xtan mà ISI không hề hay biết, ông Pa-sa cho rằng quân đội Mỹ đã trang bị công nghệ tàng hình cho máy bay nên đã tránh được sự phát hiện của ra-đa quân đội Pa-ki-xtan.

Tướng A.S.Pa-sa cho biết, hầu hết các ra-đa của Pa-ki-xtan được đặt dưới mặt đất, với các loại trực thăng thông thường, thật khó có thể bay qua mà không bị phát hiện. Chỉ có loại trực thăng được thiết kế đặc biệt của Mỹ mới qua mắt được hệ thống này. Vậy có hay không việc Mỹ đã sản xuất thành công máy bay trực thăng tàng hình và đã được sử dụng trong chiến dịch tiêu diệt Bin La-đen. Dưới đây là một số nhận định của chuyên gia nước ngoài.

 

Giáo sư Lý Lợi thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho biết, những chiếc máy bay trực thăng truyền thống thường phát ra tiếng động khá lớn, kèm theo đó là tiếng chém gió từ cánh quạt. Trong khi đó, khoảng thời gian biệt đội SEAL của Mỹ tấn công là nửa đêm, vì vậy âm thanh này sẽ càng rõ hơn. Vậy mà theo mô tả trên thực tế, hoặc qua lời các nhân chứng kể lại, hầu như không có ai nghe thấy tiếng trực thăng. Họ chỉ nghe thấy tiếng súng, và sau đó là những tiếng nổ lớn. Như vậy khả năng Mỹ đã dùng loại trực thăng tàng hình là rất có lý. “Một số bức ảnh được tiết lộ cũng đã khẳng định dấu vết tàng hình của chiếc máy bay”, ông Lý Lợi nói.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Lý Lợi, loại trực thăng tàng hình trên được phát triển dựa trên nguyên bản máy bay trực thăng UH-64 Black Hawk (Ưng đen), có lắp đặt thêm các thiết bị điện tử tàng hình và được đặt trong một thiết kế vỏ đặc biệt. Giáo sư Lý Lợi nhận định rằng nước Mỹ đã có quá trình nghiên cứu về máy bay trực thăng tàng hình từ cách đây 30 năm, đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm, tuy nhiên thông tin chi tiết về chương trình này chưa được chính thức công bố. Lần sử dụng để tiêu diệt Bin La-đen đã thể hiện tính ưu việt của loại vũ khí này. Ông Lý Lợi khẳng định “sát thủ vô thanh” này sẽ là vũ khí lợi hại vào loại bậc nhất trên chiến trường trong tương lai gần.

Một chuyên gia trong lĩnh vực chế tạo máy bay tàng hình của Mỹ cho biết, để tạo ra trực thăng tàng hình, quan trọng nhất là cần che những bộ phận phát ra sóng ra-đa phân tán theo nhiều hướng như cánh quạt, máy, càng tiếp đất và thậm chí cả hệ thống đinh tán. Chuyên gia này cũng cho rằng, phần đuôi của chiếc máy bay này có phủ bạc nên khó bị ra-đa và thiết bị cảm biến hồng ngoại phát hiện. Ngoài ra, phần vỏ của máy bay cũng đã ốp kín các vùng dọc trục cánh quạt. Một số tấm chắn được làm từ vật liệu hấp thụ sóng ra-đa. Cánh quạt đuôi và cánh quạt chính cũng được thiết kế với nhiều cánh hơn. Phần cánh cũng làm từ vật liệu hấp thụ sóng ra-đa nhằm giúp giảm tiếng ồn và âm thanh đặc trưng của trực thăng. Càng tiếp đất cũng được thiết kế có thể thò ra thụt vào để tránh được sóng ra-đa.

HOA VINH