QĐND Online – “Không có lý do gì khiến Nga ngừng chuyển giao công nghệ quân sự cho Ấn Độ và những đồn đoán xung quanh vấn đề này đều nhằm mục đích gây tác động tiêu cực từ những “nhóm lợi ích” đến mối quan hệ chiến lược toàn diện Nga-Ấn”, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Alexander M. Kadakin đã khẳng định.
Đại sứ Kadakin cho biết, phía Nga không hài lòng khi một số quốc gia khác hoặc các nhóm quyền lợi bên trong bộ máy chính quyền của Ấn Độ nảy ra ý tưởng cho rằng có những “sai lầm” trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước. “Nếu có điều gì sai thì đó chỉ là việc đầu tư quân sự của Nga vào Ấn Độ có thể không vượt quá được mốc 20 tỷ USD”, Kadakin ông nói.
Ngoài ra, Nga cũng bác bỏ những thông tin từ giới truyền thông cho rằng, nước này có thể ngừng chuyển giao công nghệ và thay vào đó, bán các thiết bị quân sự cho Ấn Độ. Theo Đại sứ Kadakin, Nga đã bàn giao cho Ấn Độ những máy bay MiG đầu tiên và trong tương lai sẽ tiếp tục làm việc đó. Đồng thời, Moscow sẽ hợp tác sản xuất các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cùng với Ấn Độ.
 |
Sự thành công của tên lửa BrahMos có sự đóng góp quan trọng của Nga |
Ông cũng nói thêm, trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia khác đã hứa hẹn sẽ chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ nhưng chưa bao giờ thực hiện điều đó. Mối quan hệ hợp tác Nga-Ấn Độ đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngay cả trong lĩnh vực hạt nhân.
Nga đã chia sẻ với Ấn Độ những công nghệ mà nước này không chia sẻ với bất cứ quốc gia nào khác, thậm chí là cả những công nghệ nhạy cảm nhất như tàu ngầm hạt nhân. Hiện nay, Ấn Độ đang tự mình phát triển công nghệ hàng không mẫu hạm với sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Nga. Nga cũng tự hào rằng công nghệ tên lửa đạn đạo siêu thanh BrahMos mà nước này chuyển giao cho Ấn Độ là một trong những công nghệ tên lửa tốt nhất thế giới hiện nay. Năm 2012, các hợp đồng quân sự mà hai nước đã ký có tổng giá trị ước tính lên đến 5-6 tỉ USD.
Nhắc lại việc Ấn Độ bị áp dụng các biện pháp trừng phạt (sau vụ thử hạt nhân Pokhran), ngài Đại sứ nêu rõ quan điểm: Trừng phạt chẳng thể mang lại điều gì tốt đẹp và không thể xếp một nước bạn bè như Nga ngang hàng với “những kẻ tiến hành trừng phạt” (không nhắc cụ thể đến quốc gia nào) và những kẻ chỉ đứng nhìn mà không hành động gì.
Được biết, New Delhi đã lên kế hoạch đầu tư tới 100 tỷ USD để thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội trong một thập kỷ tới. Do đó, nước này đang trở thành “miếng bánh béo bở” đối với các quốc gia có thế mạnh trong ngành công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu vũ khí như Nga và Mỹ. Những nước này đều không thể bỏ qua cơ hội “ngàn vàng” để gây dựng uy tín trong mắt Ấn Độ, bởi nếu thành công thì sẽ mang lại những lợi nhuận khổng lồ không chỉ về kinh tế mà còn trên khía cạnh chính trị, quân sự.
Hiện nay, Nga vẫn là một nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ, tuy nhiên, vị thế ấy đang bị đe dọa nghiêm trọng do sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty của Mỹ và các nước phương Tây.
HỮU ĐÔ (theo Brahmand)