QĐND Online - Các tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M sẽ tiếp tục phục vụ quân đội Nga trong vòng ít nhất 20 năm tới, đó là thông tin đã được Interfax đăng tải dựa theo tuyên bố của lãnh đạo Viện nhiệt Moscow Yuri Solomonov. Theo lời ông này, thời hạn phục vụ của các tổ hợp tên lửa Topol-M sẽ kết thúc trong vài năm tới và Bộ Quốc phòng Nga đang lên phương án kéo dài thời hạn phục vụ của chúng.

Được biết, các tổ hợp tên lửa Topol-M chuyển giao cho quân đội Nga được thiết kế có thời hạn phục vụ trong vòng 15 năm và phiên bản trước đó của dòng tên lửa này là Topol – 10 năm.

Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến lược Topol-M. Ảnh: sovietologist.blogspot.com

“Chúng tôi đã đủ khả năng kéo dài thời gian phục vụ của dòng tên lửa đạn đạo này lên gấp đôi”, ông Y. Solomonov cho biết. Trước đây, lãnh đạo lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, Trung tướng Sergey Karakayev cũng từng tuyên bố rằng, các tổ hợp tên lửa Topol-M sẽ có tuổi thọ tới 24 năm.

Cuối tháng 11-2010, ông S. Karakayev đã từng thông báo, lực lượng tên lửa chiến lược của Nga trong tương lai sẽ thay thế tổ hợp tên lửa di động Topol-M bằng dòng tên lửa đạn đạo mới RS-24 Yars. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này sẽ không ảnh hưởng tới quá trình bố trí cả các tổ hợp tên lửa Topol-M phiên bản đặt trong giếng phóng cố định.

Trong khi đó, một lãnh đạo khác của lực lượng tên lửa chiến lược Nga Andrey Shvaychenko lại tuyên bố, việc triển khai tổ hợp tên lửa RS-24 mới sẽ phụ thuộc vào việc “thanh lý” các tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa cũ hiện có của Nga. Theo đó, số lượng tên lửa RS-24 được chuyển giao sẽ phụ thuộc vào số lượng các vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo do binh chủng tên lửa chiến lược của Nga tiến hành.

Tháng 12-2010, trong khuôn khổ chương trình kéo dài thời hạn phục vụ của các tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến lược hiện có, Nga đã tiến hành phóng thử tên lửa Topol-M. Sau đó, vụ phóng thử này đã được ghi nhận là thành công.

Trong năm 2011, quân đội Nga dự kiến sẽ tiến hành 10 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chiến lược theo khuôn khổ quá trình phát triển và thực nghiệm các dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới và kéo dài thời hạn phục vụ của các tổ hợp tên lửa đạn đạo hiện có.

Tuấn Sơn (theo Lenta)