QĐND Online - Công ty Nga "Trung tâm nghiên cứu bay thực nghiệm" đã hoàn thành gian đoạn phát triển và chuẩn bị thử nghiệm cấp quốc gia hệ thống dẫn đường vệ tinh cho không quân hải quân. Hệ thống dẫn đường mới có thể giúp máy bay hạ cánh trong trạng thái "mù" (không thể quan sát trực quan do điều kiện thời tiết hoặc bay đêm). Theo tờ Izvestia, nếu thử nghiệm hệ thống dẫn đường mới thành công trong tương lai gần, nó sẽ được trang bị ngay lập tức cho các máy bay hải quân Nga.

Tham gia thử nghiệm cấp quốc gia sắp tới, hệ thống thống dẫn đường sẽ được trang bị trên máy bay hàng không dân sự. Phi công thử nghiệm sẽ căn cứ vào thông tin vị trí từ hệ thống để cất hoặc hạ cánh mà không cần phải quan sát trực quan thấy mặt đường băng.

Su-33 Flanker-D

Đối với máy bay quân sự, hệ thống dẫn đường mới đã được thử nghiệm trên một mẫu bay Su-30 về khả năng đáp sàn trên tuần dương hạm Admiral Kuznetsov và thành công. Trả lời phỏng vấn tờ Izvestia về các vụ thử nghiệm trên, đại diện hải quân Nga cho biết, nhờ hệ thống dẫn đường mới, "phi công không phải là xuất sắc" cũng có thể thực hiện kỹ năng hạ cánh trên tàu sân bay.

Dự kiến, đơn vị không quân hải quân Nga đầu tiên được trang bị hệ thống dẫn đường mới sẽ là Trung đoàn không quân tiêm kích số 279 (trang bị chiến đấu cơ Su-33). Hệ thống dẫn đường mới sẽ thay thế cho hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp dẫn đường vệ tinh GPS và GLONASS hiện có.

Bản chất của hệ thống dẫn đường mới là sử hai máy bay sử dụng định vị vệ tinh GPS và GLONASS (mỗi máy bay một kênh định vị) trao đổi dự liệu để xác định chính xác vị trí của mỗi máy bay trong không gian theo chuẩn thời gian thực. Nhờ cách làm trên, sai số định vị của máy bay dùng hệ thống dẫn đường mới chỉ là....10cm, đảm bảo cho máy bay có đủ thông tin để hạ cánh trong tình trạng "mù".

Vì hệ thống dẫn đường có kích thước và trọng lượng nhỏ nên nó có thể dễ dàng tích hợp lên chiến đấu cơ Su-33 hoặc máy bay vận tại IL-76.

TUẤN SƠN (theo Lenta)