Tổ hợp thiết kế công cụ Tula đang phát triển biến thể mới dành cho các tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai Kornet với khả năng tự động dẫn hướng cho tên lửa tới mục tiêu. Công nghệ mới đang được thử nghiệm và chưa được đưa vào sản xuất chính thức...
QĐND Online - Tổ hợp thiết kế công cụ Tula đang phát triển biến thể mới dành cho các tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai Kornet với khả năng tự động dẫn hướng cho tên lửa tới mục tiêu. Công nghệ mới đang được thử nghiệm và chưa được đưa vào sản xuất chính thức. Bộ Quốc phòng Nga không quá quan tâm tới biến thể mới trên của tên lửa Kornet do tên lửa chống tăng tự dẫn không phải là công nghệ quá mới mẻ và Phương Tây đã có các sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, phiên bản tự dẫn hoàn toàn của tổ hợp Kornet vẫn rất có tiềm năng để xuất khẩu.
Hệ thống dẫn đường tên lửa mới sẽ được tích hợp trực tiếp lên bệ phóng và hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên”. Tuy nhiên, trong chiến đấu, xạ thủ được phép can thiệp được vào việc dẫn hướng của tên lửa bất kỳ lúc nào. Điều này hoàn toàn khác biệt so với tổ hợp Kornet phiên bản tiêu chuẩn. Ở phiên bản cũ, xạ thủ điều khiển tên lửa bằng tay thông qua kính ngắm quang học.
 |
Tổ hợp tên lửa Kornet-E.
|
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, quân đội Nga hiện cần công nghệ tên lửa diệt tăng tự dẫn hoàn toàn (hệ thống tự dẫn được tích hợp trực tiếp trên đạn), nhưng điều này đồng nghĩa với sự phức tạp trong công nghệ và khó chế tạo. Hiện tại, các dòng tên lửa diệt tăng Javelin (Mỹ) và Spike (Israel) đang sử dụng công nghệ trên. Việc áp dụng công nghệ đạn tên lửa tự dẫn cho phép giảm nguy hiểm cho kíp điều khiển vì họ có thể cơ động ngay sau khi phóng đạn để tránh bị bắn trả.
Về phần mình, Tổ hợp thiết kế Tula cho biết, công nghệ tự dẫn mới cho phép phối hợp giữa các tổ hợp tên lửa diệt tăng độc lập và tăng độ chính xác của các đợt tấn công với nhóm mục tiêu. Cụ thể, khi tấn công một nhóm xe tăng, khi tiêu diệt một mục tiêu, các bệ phóng sẽ đánh dấu mục tiêu bị tiêu diệt bởi nguồn nhiệt cao nó phát ra (xe bị bốc cháy hoặc phát nổ) để định hướng đạn tên lửa vào các mục tiêu tiềm tàng khác. Ở phiên bản nâng cấp mới của tổ hợp Kornet, kíp điều khiển sẽ phóng tên lửa bằng tập lệnh đánh dấu mục tiêu.
Theo lời đại diện thiết kế, giá thành của hệ thống tự dẫn trang bị trên đạn tên lửa chiếm tới 90% giá thành của toàn tổ hợp, nên sau khi phóng, toàn bộ tổ hợp có thể được vứt bỏ. Trong khi đó đó, thiết kế của Nga có thể tái sử dụng. Để so sánh, mỗi đạn tên lửa diệt tăng tự dẫn của Mỹ hoặc Israel có giá tới 120.000 USD, còn sản phẩm của Nga rẻ hơn 6-7 lần.
Dự kiến, sau khi hoàn tất thử nghiệm, phiên bản dẫn tự động của tên lửa diệt tăng Kornet sẽ được giới thiệu vào cuối năm 2013.
TUẤN SƠN (theo Izvestia)