QĐND Online - Bộ Quốc phòng Nga vừa yêu cầu tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong nước nối lại các chương trình phát triển laser quân sự có khả năng phá hủy máy bay, vệ tinh và tên lửa đạn đạo của đối phương. Tham gia vào quá trình phát triển trên sẽ là Tổ hợp Almaz-Antey, Viện nghiên cứu công nghệ hàng không mang tên Beriev ở Taganrog và công ty Khipromavtomachika. Quá trình phát triển vũ khí laser mới sẽ bắt đầu từ năm 2013.

Theo Izvestia, Viện nghiên cứu Beriev đã nối lại chương trình phát triển laser hàng không trên mẫu thực nhiệm A-60 (máy bay IL-76 hoán cải chức năng) vốn được sử dụng để phát triển công nghệ laser từ thời Liên bang Xô viết. Trong 2 mẫu thử A-60 được chế tạo, hiện chỉ còn một mẫu lưu giữ tại sân bay gần thành phố Taganrog.

Hệ thống phát laser trên A-60 chủ yếu dùng để thực nghiệm khả năng vô hiệu hóa khả năng dẫn đường băng quang điện của tên lửa và khả năng quan sát của vệ tinh viễn thám. Tuy nhiên, chương trình này đã bị tạm dừng từ năm 2011 vì thiếu kinh phí và một phần thiết bị trên mẫu thử trên đã bị tháo bỏ. Nếu hoạt động lại, mẫu A-60 có thể sẽ được lắp hệ thống phát tia laser có công suất lớn hơn và hệ thống kính quang học mới.

Máy bay thử công nghệ laser hàng không A-60.

Ngoài ra, để A-60 tiếp tục hoạt động, nó cần được nâng cấp vì đã không hoạt động suốt 2 năm qua. Sau khi được nâng cấp, sửa chữa trong năm 2013, A-60 sẽ được trang bị hệ thống phát tia laser 1LK222 do Almaz-Antey và  Khipromavtomachika phát triển. Hệ thống laser mặt đất dạng này đã sẵn sàng thử nghiệm.

Trong quá trình thử nghiệm, mẫu A-60 sẽ được trang bị hệ thống kiểm soát Falcon-Echelon cho phép giám sát tầm phát, nhiệt độ phát và mức tiêu thụ năng lượng của hệ thống phát tia laser. Tuy nhiên, các nhà phát triển Nga hiện chưa rõ sẽ trang bị hệ thống laser hàng không trên máy bay ném bom hạng nặng hay máy bay vận tải quân sự hoàn cải.

Để tiêu diệt cùng lúc nhiều mục tiêu bay trên không, laser hàng không cần có độ tin cậy và công suất phát lớn. Ngoài ra, hệ thống laser cũng cần thiết bị dẫn hướng chính xác và duy trì phát tia laser trúng mục tiêu trong một thời gian để tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu.

Điểm mạnh của tia laser là mang nhiều năng lượng, nhưng nó rất dễ bị tán xạ (mất năng lượng) khi bay trong bầu khí quyển trái đất. Nếu tạo ra tia laser có công suất đủ lớn, nó sẽ tự tao hiệu ứng tương tự như hoạt động ngoài vũ trụ (môi trường chân không) để tấn công chính xác các mục tiêu ở tầm rất xa.

Mỹ hiện cũng phát triển hệ thống laser hóa năng hàng không đặt trên máy bay chở hàng Boeing 747-400F. Trong vụ thử tiến hành hồi tháng 1-2010, hệ thống trên đã tiêu diệt thành công 2 tên lửa đạn đạo giả lập ở pha tăng tốc trong quy trình phóng, nhưng 2 vụ thử sau đó lại thất bại.

Tới năm 2011, Lầu Năm góc đã phải công nhận việc phát triển hệ thống laser quân sự hàng không là không khả thi và tốn kém. Mẫu thử vũ khí laser của Mỹ sau đó đã được chuyển tới niêm cất ở Trung tâm bảo trì kỹ thuật hàng không 309, thường được biết tới với tên gọi "Nghĩa địa máy bay".

TUẤN SƠN (theo Lenta)