QĐND Online - Nga đang đề xuất cung cấp cho Iran các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Tor thay vì S-300 trong hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, tổ hợp tên lửa phòng không trên chỉ có thể đảm nhiệm chức năng một lớp phòng không, chứ không thể làm nhiệm vụ xương sống của hệ thống phòng không Iran. Tuyên bố trên được RIA Novosti dẫn lời giám đốc Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí thế giới (CAWAT) Igor Korochenko đăng tải.

Mới đây, đại sứ Iran tại Nga, Seyed Mahmoud Reza Sajjadi tuyên bố, đề xuất của Nga về việc thay thế S-300 bằng tổ hợp Tor là không hợp lý vì dòng tên lửa phòng không này không phù hợp với hệ thống phòng không của Iran.

Ảnh minh họa/ Rian.ru

“Tor là tổ hợp phòng không tầm ngắn tốt, nhưng nó chỉ được tích hợp vào hệ thống phòng không Iran với vai trò là một thành tố phụ. Tor không thể thay thế cho S-300 được vị mục đích tác chiến khác nhau. Iran đang lập kế hoạch xây dựng hệ thống phòng không nhiều tầng, trong đó xương sống là S-300. Điều đó là hoàn toàn hợp lý để bảo vệ Iran khỏi các cuộc tập kích đường không. Tôi nghĩ hợp đồng cung cấp S-300 là việc nên làm”, ông I. Korochenko cho biết.

Theo lời lãnh đạo CAWAT: “Chúng ta có thể nối lại hợp đồng này. Việc cung cấp S-300 cho Iran đáp ứng mọi lợi ích quốc gia của Nga. Phương Tây chỉ có thể can thiệp quân sự ở các quốc gia có tiềm lực phòng thủ yếu. Đặc biệt, việc thay đổi chế độ thân Phương Tây ở Iran sẽ là thảm họa đối với Nga”. Thực tế, Hội đồng bảo an LHQ ra nghị quyết cấm cung cấp vũ khí tấn công cho Iran chủ yếu là do quan điểm chính trị của quốc gia này.

Cuối năm 2007, Iran và Nga đã ký hợp đồng cung cấp 5 tổ hợp tên lửa S-300PMU-1 trị giá 800 triệu USD. Tuy nhiên, ngày 22-9-2010, Tổng thống Nga lúc đó Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh hủy bỏ hợp đồng, khi Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 1929 ngày 9-6-2010 áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, trong đó cấm chuyển giao các loại vũ khí, khí tài tấn công, trong đó có tên lửa.

Biện hộ cho vấn đề này, phía Iran lại khẳng định rằng S-300 là vũ khí đơn thuần nên không nằm trong danh sách cấm của LHQ.

Liên quan tới hợp đồng này, Phương Tây, Mỹ và Israel cũng chỉ trích Nga không hỗ trợ giải quyết vụ việc. “Washington luôn thúc ép Moscow để dừng hợp đồng giữa Nga và Iran nhưng sau này lại chẳng "mảy may" đề cập đến vấn đề này nữa. Người Mỹ giờ có đồng quan điểm S-300 là hệ thống phòng vệ, và Nga nên một mình chịu trách nhiêm cho sự đổ vỡ của hợp đồng này”, giám đốc Điều hành Công ty Rostech (Nga) ông Chemezov cho biết thêm.

TUẤN SƠN (theo Armstrade)