QĐND Online - Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Nga Rosoboronexport tuyên bố sẵn sàng hợp tác với phía Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không-đánh chặn Antey-2500 (S-300VM). Tuyên bố trên đã được lãnh đạo Rosoboronexport, Anatoly Isaykin, khẳng định với tờ báo Itar-Tass, khi đang tham dự Hội trợ công nghiệp quốc phòng quốc tế AYDEF 2013 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Ông A. Isaykin nhấn mạnh, Rosoboronexport sẽ tiếp tục tham gia vào gói thầu tìm mua tổ hợp phòng không tầm xa mới của Thổ Nhĩ Kỳ T-LORAMIDS. “Chúng tôi sẽ giới thiệu tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại và hiệu quả. Nếu sản phẩm của Nga trúng thầu, sau khi ký hợp đồng, chúng tôi cam kết Rosoboronexport sẽ tham gia, hỗ trợ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ phát triển và chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không phù hợp với yêu cầu của lục quân nước bạn”, ông A. Isaykin cho biết. Đặc biệt, các thành phần của tổ hợp Antey-2500 sẽ được tích hợp vào tổ hợp phòng không mới cung cấp cho phía Thổ Nhĩ Kỳ để tăng khả năng và hiệu quả tác chiến.
 |
Antey - 2500
|
Lãnh đạo Rosoboronexport cũng hé lộ khả năng chuyển giao công nghệ chế tạo Antey-2500 cho phía Thổ Nhĩ Kỳ với điều kiện nhà thầu nội địa của nước này phải đáp ứng được các yêu cầu về mặt kỹ thuật đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra.
Hiện tại, Ban thư ký Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan phụ trách mua sắm vũ khí, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về T-LORAMIDS.
“Chúng tôi hy vọng sẽ giành được chiến thắng dựa trên sự ưu việt thực sự của vũ khí phòng không, phòng thủ tên lửa Nga so với sản phẩm của nước ngoài”, ông A. Isaykin nói. Đối thủ của Antey-2500 hiện chính là tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Mỹ và phía Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa thật sự hài lòng với các điều kiện phía Mỹ đưa ra trong T-LORAMIDS.
Tham gia vào T-LORAMIDS là liên doanh Lockheed Martin/Raytheon với sản phẩm là tổ hợp tên lửa Patriot PAC-2 và PAC-3, công ty Trung Quốc CPMIEC với tổ hợp FD-2000, Rosoboronexport với S-300VM Antey-2500 và MBDA với SAMP/T sử dụng đạn tên lửa Aster-30. Tổng trị giá của gói thầu này ước khoảng 4 tỷ USD.
Trong quá trình thực hiện T-LORAMIDS, phương Tây và Mỹ luôn phản đối khả năng Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp tên lửa phòng không từ Nga hoặc Trung Quốc. Lý do của việc này là khả năng khó tích hợp vào hệ thống phòng không chung của NATO; phụ tùng, thiết bị thay thế khó kiếm và đặc biệt là khả năng rò rỉ thông tin mật. Không rõ có vì sức ép trên hay không, Thổ Nhĩ Kỳ đã loại hai nhà thầu Nga và Trung Quốc ra khỏi chương trình T-LORAMIDS.
Theo kế hoạch trước đây, kết quả của T-LORAMIDS đã phải được công bố từ tháng 7-2012, nhưng bị hoãn lại.
TUẤN SƠN (theo Arms-Tass)