Sau khi thất bại trong một số cuộc đấu thầu để giành hợp đồng bán vũ khí cho Ấn Độ, khả năng Nga - nước hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho quốc gia Nam Á này, sẽ thay đổi chiến lược để giữ vị trí luôn bị cạnh tranh...
QĐND - Sau khi thất bại trong một số cuộc đấu thầu để giành hợp đồng bán vũ khí cho Ấn Độ, khả năng Nga - nước hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho quốc gia Nam Á này, sẽ thay đổi chiến lược để giữ vị trí luôn bị cạnh tranh. Một quan chức Ấn Độ cấp cao giấu tên tiết lộ, gần đây Nga đã mất một số hợp đồng lớn cung cấp vũ khí cho Ấn Độ. Việc này không chỉ khiến Nga tức giận mà còn rất lo ngại cho vị trí số một hiện nay của mình.
Các quan chức Nga từng cho biết, họ sẽ thay đổi chiến lược và tập trung chủ yếu vào các hợp đồng mua bán quốc phòng trực tiếp giữa hai chính phủ không liên quan gì tới các cuộc đấu thầu cạnh tranh quyết liệt. Ấn Độ hiện là thị trường vũ khí béo bở thu hút nhiều nhà thầu quốc tế có khả năng cạnh tranh lớn nên vị trí số 1 của Nga luôn bị đe dọa.
Với việc tận dụng mối quan hệ chính trị và ngoại giao khá khăng khít với Niu Đê-li, Mát-xcơ-va tin là có thể nhận được “miếng bánh” to hơn trong các hợp đồng tầm cỡ được chính phủ Ấn Độ cấp trực tiếp.
Sau Nga, I-xra-en là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ấn Độ. I-xra-en đã nhận được các đơn hàng trị giá 10 tỷ USD từ Ấn Độ trong thập niên qua. Nhiều hợp đồng trong số này có được cũng nhờ thông qua kênh chính phủ.
Nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho Ấn Độ là Mỹ. Mát-xcơ-va tin rằng, nhiều đơn hàng trong số các đơn hàng có tổng trị giá 20 tỷ USD mà Ấn Độ dành cho Mỹ là do mối quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa Mỹ và Ấn Độ. Chỉ tính riêng 5 năm qua, Mỹ đã bán cho Ấn Độ các thiết bị quốc phòng trị giá khoảng 8 tỷ USD.
Chính vì vậy, theo tờ “Thời báo Mát-xcơ-va”, với việc thay đổi chiến lược, Nga đang làm theo cách mà Mỹ đã và đang làm trong các thương vụ vũ khí với Ấn Độ. Hơn nữa, Nga đã rút được bài học từ những kết quả không mấy thỏa mãn trong quá trình làm ăn với ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của Ấn Độ suốt hai năm qua. Trong thời gian đó, các công ty của I-xra-en, Mỹ và châu Âu đã “qua mặt” các công ty Nga để giành được những hợp đồng béo bở. Trong nhiều vụ, các công ty Nga thậm chí còn không lọt vào tốp 3 công ty quốc tế được chọn để cung cấp vũ khí cho Ấn Độ. Còn có những trường hợp các công ty Nga bị gạt ngay khỏi “cuộc đấu” từ giai đoạn đầu.
THẾ LONG