QĐND Online - Không quân Mỹ và Cơ quan phụ trách các dự án tương lai (DARPA) hôm 11-8 đã tiến hành vụ phóng thử Hypersonic Technology Vehicle 2 (tạm dịch: mẫu thử bay siêu thanh 2) - HTV-2 Falcon lần thứ 2. Theo Aviation Week, sau khi rời phương tiện chuyên chở ở tầng cao nhất của khí quyển, giai đoạn bay đầu tiên của HTV-2 diễn ra rất thuận lợi. Tuy nhiên, chỉ 9 phút sau đó, mẫu thử bay này lại mất kết nối và buộc trung tâm chỉ huy phải ra lệnh cho mẫu thử tự hủy. Hiện, nguyên nhân thất bại của vụ phóng thử đang được các chuyên gia của DARPA điều tra.

“Các kỹ sư đã thấy mẫu thử bay bay ra khỏi tầng khí quyển và vỡ vụn ở tốc độ siêu thanh. Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng đã quyết định sẽ tìm ra nguyên nhân của sự việc này”, Cổng thông tin Universe Today trích lời lãnh đạo của dự án FHTV-2 Chris Schulz, cho biết.

Hình ảnh mô phỏng về quỹ đạo bay của HTV-2

Vụ thử hôm 11-8 là lần thử cuối cùng trong chương trình FHTV-2 tính tới thời điểm hiện tại. Hiện chưa rõ lần thử nghiệm tiếp theo của FHTV-2 sẽ diễn ra vào thời điểm nào?

Trong lần phóng thử thứ 2, HTV-2 Falcon được tên lửa đẩy Minotaur IV mang lên quỹ đạo từ căn cứ không quân Vandenberg ở bang California. Khi tới tầng ngoại vi của khí quyển trái đất, HTV-2 tự tách khỏi tên lửa đẩy và hiệu chỉnh đường bay với đích ngắm tới là mục tiêu giả định nằm gần Kwajalein Atoll. Để tấn công mục tiêu đã định, HTV-2 phải vượt qua quãng đường dài 7.600 km trong vòng 30 phút với tốc độ bay tối đa trong một số giai đoạn bay đạt Mach 20, tương đương 23.000 km/giờ.

Mục tiêu chính của vụ phóng thử ngày 11-8 là kiểm tra khả năng điều khiển và sự ổn định của vật liệu chịu nhiệt cao cấu thành lên mẫu thử này ở tốc độ siêu thanh.

Lần phóng thử HTV-2 đầu tiên được không quân Mỹ tiến hành vào ngày 20-4-2010 cũng bị ghi nhận là thất bại. Sau khi mất kết nối, trung tâm chỉ huy bay đã phải ra lệnh cho mẫu thử bay này tự hủy.

Được hãng Lockheed Martin phát triển từ năm 2003, dự án Falcon HTV-2 được coi là một thành phần quan trọng trong khái niệm tấn công chính xác trên phạm vi toàn cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo khái niệm này, quân đội Mỹ có thể tấn công chính xác bất kỳ địa điểm nào trên trái đất trong vòng 60 phút.

Tuấn Sơn (theo Lenta)