QĐND - Mỹ sắp tiến thêm một bước nữa trong nỗ lực hoàn thành tham vọng thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, hành động có thể đẩy quan hệ Nga - Mỹ vào tình thế đối đầu như thời Chiến tranh lạnh.

Tạp chí Sao và Vạch của Mỹ mới đây dẫn nguồn từ Hạm đội 6 thuộc Hải quân Mỹ cho biết, nước này và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ lần đầu tiên thử nghiệm thành tố biển của Hệ thống phòng thủ tên lửa  ở châu Âu. Báo trên cho hay, cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 với sự tham gia của Anh, Đức, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Hà Lan, Na Uy và Pháp.

Theo kế hoạch, cuộc thử nghiệm thành tố biển của Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ giám sát và đánh chặn tên lửa đạn đạo không mang đầu đạn, được phóng đi từ thao trường tại đảo Hebrides, ngoài khơi bờ biển Xcốt-len. Mục đích của cuộc thử nghiệm là hình thành hoạt động phối hợp giữa các đồng minh khi đánh chặn nhiều tên lửa cùng lúc.

Chiến hạm trang bị Hệ thống Aegis của Mỹ. Ảnh: Getty

Để thực hiện được nhiệm vụ này, các tàu chiến Mỹ sẽ sử dụng hệ thống chỉ huy và kiểm soát tự động cao Aegis, cũng như tên lửa dẫn đường SM-3. Aegis là một hệ thống chỉ huy và kiểm soát vũ khí tích hợp tiên tiến được sử dụng để tìm kiếm, theo dõi mục tiêu và đưa ra hướng dẫn cho loại vũ khí chống tên lửa. Hệ thống được lắp đặt trên khoảng 30 tàu chiến của Hải quân Mỹ và một số quốc gia khác, như Tây Ban Nha hay Na Uy.

Dự kiến, tham gia cuộc thử nghiệm trên có 4 tàu chiến Mỹ. Tuy nhiên, quân đội Mỹ không thông báo cụ thể địa điểm thử nghiệm, cũng như tên các con tàu tham gia.

Cuộc tập trận này đánh dấu mốc quan trọng trong việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Âu, vốn được NATO và Mỹ bắt đầu xây dựng từ một thập kỷ trước. Vào ngày 25-9 vừa qua, Hải quân Mỹ đã hoàn tất việc trang bị hệ thống Aegis cho tàu khu trục thứ tư và cuối cùng "Carney" được đóng tại cảng Rota của Tây Ban Nha. Đây là một phần hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ phát triển tại châu Âu, được gọi là phương pháp tiếp cận thích ứng theo giai đoạn tại châu Âu.

Cùng với việc phòng thủ tên lửa bằng tàu chiến, Mỹ và NATO cũng tiến hành thiết lập các căn cứ đánh chặn trên mặt đất, được xây dựng tại Ru-ma-ni và Ba Lan. Ngày 25-9, các nhà lập pháp Ba Lan đã chấp nhận một thỏa thuận kỹ thuật với Mỹ, liên quan đến căn cứ chống tên lửa Redzikowo. Theo kế hoạch, căn cứ sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018.

Sau Chiến tranh lạnh, với lý do nhằm chống lại mối đe dọa từ I-ran, Mỹ đã lên kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Quá trình này diễn ra theo 4 giai đoạn: Năm 2010, triển khai các hệ thống Aegis trên tàu chiến mặt nước, tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA, hệ thống ra-đa phát hiện cơ động trên biển AN/TPY-2. Năm 2011-2015, triển khai tên lửa đánh chặn SM-3 Block IB, các sensor hiện đại hơn. Năm 2015-2018, triển khai tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA. Năm 2018-2020, triển khai tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIB.

Mỹ và NATO luôn khẳng định rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ là để đề phòng I-ran tấn công châu Âu, tuy nhiên, hiện I-ran mới chỉ có các tên lửa đạn đạo tầm bắn lớn nhất là 2.500km. Chính vì vậy, Nga nhiều lần tuyên bố, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tạo ra những mối đe dọa an ninh đối với nước này. Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) cho rằng, hệ thống này không chỉ mang tính phòng thủ, mà còn có khả năng tấn công đồng thời phản đối mạnh mẽ việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Trong khi đó, giới chức Nga cũng nhiều lần tuyên bố, Mát-xcơ-va không tham vọng lao vào một cuộc chạy đua vũ trang nhưng có đủ năng lực cần thiết để đối phó với Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO. Nga từng đe dọa sẽ đưa tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander tới Ca-li-nin-grát, sát biên giới các quốc gia NATO, nếu Mỹ dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu.

Hồi tháng 7, Interfax đưa tin, Nga dự tính sẽ khiến Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trở nên vô hiệu nhờ thiết bị bay siêu thanh có tên gọi "Vật thể 4202" (Objekt 4202). Dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao Nga, Interfax cho biết trong 10 năm qua, thiết bị này đang được thử nghiệm và lần thử nghiệm cuối cùng diễn ra vào tháng 2-2015. "Nếu Nga có Vật thể 4202, có thể vận động với tốc độ siêu thanh theo phương thẳng đứng và nằm ngang, nước ta có thể giải quyết vấn đề bảo đảm vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa tiềm tàng", Interfax dẫn lời quan chức này cho hay.

Theo những thông tin ban đầu được tiết lộ, Nga thực hiện dự án Vật thể 4202 với mục tiêu vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ vốn được xây dựng để tiêu diệt mục tiêu đường đạn chuyển động theo quỹ đạo có thể tính toán. Với vũ khí siêu vượt âm thuộc Vật thể 4202 Nga đang chế tạo thì sẽ cực kỳ khó bám theo và bắn hạ vì chúng chuyển động không theo quỹ đạo có thể tính toán, tốc độ di chuyển của chúng lên tới 11.200km/giờ. "Vật thể 4202" đã được giới thiệu với các chuyên gia trong phần bí mật của triển lãm diễn đàn kỹ thuật quân sự Army 2015 tổ chức hồi tháng 6 tại Kubinka, ngoại ô Mát-xcơ-va.

Báo cáo phát hành tháng 6-2015 của hãng phân tích quốc phòng nổi tiếng Jane's Information Group cũng xác nhận, việc Nga đang phát triển và thử nghiệm với Vật thể 4202. Theo tài liệu này, Vật thể 4202 sẽ mang lại cho Nga khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác cao vào bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất được lựa chọn, còn khi kết hợp với khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, Mát-xcơ-va sẽ có khả năng tiêu diệt thành công mục tiêu chỉ bằng một quả tên lửa.

Bản tài liệu của Jane's Information Group cho biết thêm, các đầu đạn của Vật thể 4202 sau khi tách khỏi tên lửa mang, có khả năng thay đổi quỹ đạo bay theo độ cao và hướng bay, do đó có thể vượt qua thành công tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và tương lai. Tài liệu khẳng định rằng, Mát-xcơ-va cần vũ khí siêu vượt âm để có được các đòn bẩy tác động trong quá trình đàm phán với Mỹ và hạn chế hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Báo cáo dự đoán, sẽ có đến 24 phương tiện (đầu đạn) siêu vượt âm thuộc Vật thể 4202 có thể được triển khai tại trung đoàn thuộc Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga RVSN ở Dombarovsky trong thời kỳ từ năm 2020-2025.

Và đến khi đó, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ không còn khiến Nga bận tâm nhiều.

NGỌC HÀ