QĐND - Lầu Năm góc ngày 14-2 tuyên bố chưa quyết định được việc điều chuyển các lữ đoàn chiến đấu (BCT) ở châu Âu về các căn cứ trong nước hay tiếp tục đóng quân tại châu Âu. 

Theo kế hoạch của Lục quân Mỹ, Lữ đoàn bộ binh 170 đóng quân tại Bôm-hôn-đơ và Lữ đoàn Bộ binh 172 đóng tại Xchên-phớt ở Đức sẽ được tái triển khai tại các căn cứ quân sự ở trong nước vào năm 2013. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp nhiều trắc trở do bất đồng quan điểm từ chính nội bộ quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Lẽ ra, quyết định cuối cùng phải được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 11 năm ngoái ở Li-xbon (Bồ Đào Nha), nhưng Lầu Năm góc đã “hứa” lùi lại vào đầu năm nay. Tuy nhiên, trong bức thư điện tử của người phát ngôn Bộ chỉ huy Mỹ tại châu Âu gửi cho tờ báo Star and Stripes hôm 14-2, ông này nhấn mạnh, “Lầu Năm góc hy vọng câu trả lời sớm được đưa ra trong những tháng tới”. 

Binh sĩ Mỹ thuộc Lữ đoàn 170 tại căn cứ Bôm-hôn-đơ, Đức. Ảnh: Flick

Việc sắp xếp lại lực lượng theo hướng gọn nhẹ, tinh nhuệ và cơ động hơn không chỉ giúp Mỹ sẵn sàng có mặt trong thời gian nhanh nhất tại các điểm nóng trên toàn thế giới mà còn giúp Lầu Năm góc tiết kiệm chi phí. 5 năm qua, Lầu Năm góc đã thu gọn các căn cứ ở nước ngoài vào 5 trung tâm chủ yếu. Từ khi kết thúc Chiến tranh “Lạnh”, lực lượng quân sự của Mỹ ở châu Âu giảm từ 300.000 binh sĩ xuống hiện chỉ còn 75.000 binh sĩ. Việc điều chuyển hai lữ đoàn 170 và 172 về Mỹ sẽ giảm thêm 10.000 binh sĩ nữa.

Quyết định điều chuyển hai lữ đoàn ở châu Âu về Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nhà trắng yêu cầu cắt giảm chi tiêu. Đầu tháng 12-2010, Ủy ban cắt giảm thâm hụt ngân sách của Nhà trắng đề nghị Lầu Năm góc xóa bỏ 1/3 số căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài để tiết kiệm ngân sách. Đề nghị đó tương tự kế hoạch của một ủy ban do Quốc hội thành lập nhằm xem xét và cắt giảm 1/3 lực lượng Mỹ ở châu Âu cũng như Thái Bình Dương để tiết kiệm 80 tỷ USD trong 10 năm.

Các nhà phân tích nhận định, việc điều chuyển gần 10.000 binh sĩ ở châu Âu về các căn cứ trong nước của Mỹ có thể được hiểu như một “món quà ngoại giao” để làm hài lòng nước Nga, nước luôn nghi ngờ các kế hoạch "Đông tiến" của NATO.

Linh Oanh