QĐND - Với tỷ lệ  407 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 19-7 đã bỏ phiếu ủng hộ việc chấm dứt hợp đồng mua vũ khí giữa Lầu Năm Góc và Công ty xuất khẩu quốc phòng Rosoboronexport của Nga. Phát biểu trước báo giới, Nghị sĩ Gim Mô-ran (Jim Moran) cho rằng, Mỹ không nên mua vũ khí và khí tài quân sự của Nga, nước xuất khẩu vũ khí cho Xy-ri. Năm 2011, các thương vụ mua bán vũ khí giữa Mát-xcơ-va và Đa-mát ước tính lên đến 1 tỷ USD. 

Loại trực thăng Mi-17 của Nga được Lầu Năm Góc lựa chọn cho quân đội Áp-ga-ni-xtan. Ảnh: RIA Novosti

Điều khoản sửa đổi chấm dứt thương vụ vũ khí với Nga nói trên được Hạ viện Mỹ thông qua ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad) nếu ông Át-xát không chấm dứt sử dụng các loại vũ khí hạng nặng. Điều khoản này sẽ có hiệu lực ngay sau khi nhận được sự đồng thuận của Thượng viện và chữ ký của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma.

Trong trường hợp điều khoản này được Tổng thống Ô-ba-ma thông qua, điều này đồng nghĩa với việc hợp đồng trị giá 171 triệu USD mà Lầu Năm Góc vừa ký cách đây vài ngày để mua 10 máy bay chiến đấu Mi-17 của Rosoboronexport sẽ trở nên vô giá trị. Mi-17 là một phiên bản xuất khẩu của máy bay trực thăng Mi-8 Hip và là “át chủ bài” của toàn bộ số trực thăng của Quân đoàn Không quân Áp-ga-ni-xtan. Lầu Năm Góc muốn mua máy Mi-17 của Nga cho Không quân Áp-ga-ni-xtan là bởi việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho duy trì, bảo dưỡng số lượng trực thăng mà quân đội Áp-ga-ni-xtan đang sử dụng. Hơn nữa, Mi-17 vận hành đơn giản và phi công, kỹ thuật viên Không quân Áp-ga-ni-xtan dễ dàng làm quen với loại trực thăng này của Nga. Việc ngừng mua máy bay Nga có thể khiến cho công tác giữ gìn an ninh tại Áp-ga-ni-xtan gặp khó khăn sau khi NATO rút hết quân về nước vào cuối năm 2014.

Đây không phải là lần đầu tiên, các nghị sĩ Mỹ tìm cách ngăn cản không cho Lầu Năm Góc hợp tác với Công ty Rosoboronexport. Tháng 10-2008, chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ (George W.Bush) đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Rosoboronexport với cáo buộc công ty này phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và những công nghệ tên lửa nhạy cảm cho I-ran,  Triều Tiên và Xy-ri. Thế nhưng, bất chấp lệnh cấm trên, hàng chục máy bay trực thăng Mi-17 đã được Mỹ mua cho Áp-ga-ni-xtan và I-rắc thông qua các công ty trung gian để tránh các hợp đồng trực tiếp với Công ty Rosoboronexport.

Dưới thời ông Ô-ba-ma, quan hệ Nga-Mỹ đã nồng ấm trở lại. Minh chứng cho việc “tái khởi động” quan hệ giữa hai nước chính là việc tháng 5-2010, Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Rosoboronexport.

Tuy nhiên, với việc Hạ viện Mỹ ủng hộ việc chấm dứt hợp đồng mua vũ khí giữa Lầu Năm Góc và Rosoboronexport, Công ty xuất khẩu quốc phòng của Nga lại có nguy cơ đứng trước một lệnh trừng phạt mới. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Mát-xcơ-va ngày 21-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga A-lếch-xan-đơ Lu-ca-sê-vích (Alexander Lukashevich) nhắc lại quan điểm của Nga, theo đó "Nga không cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho Xy-ri vi phạm nghĩa vụ của mình". Theo ông Lu-ca-sê-vích, chính quyền Mỹ đã bỏ qua sự hợp tác cùng có lợi của Rosoboronexport với quân đội Mỹ trong việc tăng cường cho lực lượng an ninh của Áp-ga-ni-xtan. “Mát-xcơ-va lấy làm tiếc rằng, nhiều nhà lập pháp Mỹ vẫn còn sống trong thời Chiến tranh Lạnh và các ám ảnh bài Nga”, ông Lu-ca-sê-vích nói.

 

LINH OANH