Theo thông tin đăng tải trên website của Lockheed Martin, hãng chế tạo này đã nhận hợp đồng trị giá 784 triệu USD phát triển hệ thống ra-đa mới trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Các hệ thống ra-đa phòng thủ tên lửa mới sẽ được triển khai tại các bang New Jersey, Alaska, Alabama, Florida and New York...
QĐND Online - Theo thông tin đăng tải trên website của Lockheed Martin, hãng chế tạo này đã nhận hợp đồng trị giá 784 triệu USD phát triển hệ thống ra-đa mới trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Các hệ thống ra-đa phòng thủ tên lửa mới sẽ được triển khai tại các bang New Jersey, Alaska, Alabama, Florida and New York.
Hệ thống ra-đa kết nối mới (Long Range Discrimination Radar) dự kiến sẽ được phát triển trong 9 năm tới và sẽ trở thành một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa với nhiệm vụ cảnh giới và phát hiện các mục tiêu tình nghi, kể cả trong môi trường nhiễu và nhiều mồi bẫy giả.
 |
Ảnh minh họa.
|
Theo giới thiệu của Lockheed Martin, hệ thống ra-đa mới sử dụng các phần tử thu phát trạng thái rắn GaN cho phép ra-đa có công suất phát lớn, nhưng vẫn có kích thước nhỏ gọn.
“Mỹ luôn duy trì một số lượng đạn tên lửa đánh chặn để đối phó với nguy cơ bị tấn công tên lửa ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, công nghệ tên lửa và khả năng gây nhiễu ngày càng phát triển buộc hệ thống phòng thủ tên lửa phải phát triển theo”, ông Carl Bannar, Chủ tịch Cơ quan nghiên cứu Vũ khí tích hợp của Lockheed Martin cho biết.
Theo lời ông C. Bannar, việc phát triển ra-đa sử dụng các phần tử thu phát trạng thái rắn GaN dựa trên nhiều năm kinh nghiệm phát triển lá chắn tên lửa và hệ thống điều phối hỏa lực Aegis của Lockheed Martin. Hệ thống ra-đa mới sẽ bắt đầu thử nghiệm từ năm 2020.
Từ năm 2000, Mỹ bắt đầu hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của mình trên cơ sở các thành phần triển khai từ những năm 1980. Theo khuôn khổ chương trình SDI, lá chắn phòng thủ tên lửa tương lai của Mỹ sẽ là sự kết hợp giữa các bệ phóng tên lửa đánh chặn cố định và di động kết hợp với mạng lưới ra-đa cảnh báo sớm với mục tiêu tăng xác suất đánh chặn tên lửa đối phương cao nhất có thể.
TUẤN SƠN (theo RIAN)