QĐND Online-  Chưa bao giờ, thị trường mua bán vũ khí trên thế giới lại sôi động như thập kỷ đầu của thế kỷ 21, trong đó việc mua bán máy bay chiếm tỷ trọng lớn hơn cả. Người ta tính, giờ đây số máy bay chiến đấu xuất khẩu chiếm đến 1/3 tổng lượng vũ khí chuyển giao trên thị trường toàn cầu.

Đắt tiền vẫn lắm kẻ mua

Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới (Centre for Analysis of World Arms Trade) và nhiều trang tin quân sự khác thường xuyên đưa tin về những thương vụ mua, bán máy bay. Mỗi thương vụ có giá trị từ hàng trăm triệu USD đến nhiều tỷ USD. Từ 2000-2009, thị trường thế giới đã cung cấp 1.898 máy bay chiến đấu các loại cho không quân các nước.

Chỉ có 11 quốc gia (Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Ấn Độ, Nhật Bản và Tây Ban Nha) chế tạo và bán máy bay, nhưng có tới hơn 50 quốc gia quan tâm và muốn mua loại vũ khí này. 5 năm qua, hơn 50 nước đã tìm mua máy bay chiến đấu, trong đó có Algeria (32 chiếc), Bangladesh (16 chiếc), Israel (82 chiếc), Jordan (36 chiếc ), Pakistan (23 chiếc ), Syria (33 chiếc ), Venezuela (24 chiếc), Chile (28chiếc ), Poland (48 ), chiếcTrung Quốc (45 ) chiếc và Yemen (37) chiếc .

Theo báo cáo mới nhất do Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu máy bay chiến đấu nhiều nhất,115 máy bay chiến đấu các loại trong khi Mỹ và Nga là hai nước xuất khẩu nhiều máy bay chiến đấu nhất thế giới.  Sau Ấn Độ là Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Israel, ba quốc gia này chiếm tới 1/3 thị trường nhập khẩu máy bay chiến đấu toàn cầu.

Báo cáo của SIPRI đánh giá, máy bay chiến đấu là một trong những loại vũ khí đắt đỏ nhất, tiêu tốn hàng chục triệu USD một chiếc. Với giá máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5, dự kiến giá bán 1 chiếc F-35 cũng vào khoảng từ trên dưới 100 - 175 triệu USD, giá này phụ thuộc vào đối tượng nhập khẩu hay là hàng chuyển giao cho không quân nội địa

Bên cạnh thị phần cung cấp chiến đấu cơ, thị trường trực thăng quân sự thế giới trong giai đoạn 2002-2009 cũng đạt mức 36,03 tỉ USD và chiếm 12,4% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn này. Dẫn đầu là các dòng trực thăng đa nhiệm (16,72 tỉ USD). Tiếp đó là các dòng trực thăng tấn công (11,67 tỉ USD), trực thăng săn ngầm (5,98 tỉ USD) và đứng cuối cùng là các dòng trực thăng vận tải quân sự hạng nặng (1,64 tỉ USD).

Hình ảnh minh họa. Nguồn: vi.wikipedia.org

Cần nhấn mạnh rằng, một đời máy bay phải thay nhiều lần động cơ, phụ tùng, vũ khí kèm theo và “đồ chơi không gian” thường không có giá thấp. Điều này khiến cho các nước cân nhắc trước khi chọn mua dòng kỹ thuật quân sự cao cấp này.

“Cơn sốt” mua sắm máy bay - vì sao?

Những bộ óc thực dụng của quân đội các quốc gia tính toán rất kỹ nên không có chuyện tung tiền ra chỉ vì để “thao diễn” hoặc “khuếch trương” sức mạnh. Không quân giờ đây ngày càng có sức mạnh thực sự cho mục đích quân sự-quốc phòng và an ninh của các nước.

Sau hơn một thế kỷ xuất hiện, tuy sinh sau đẻ muộn so với pháo binh, xe tăng…nhưng máy bay nhanh chóng trở nên một vũ khí rất lợi hại, trong cả tấn công và phòng ngự. Chưa một loại vũ khí nào lại kết tinh trong đó đầy đủ 3 yếu tố: hoả lực mạnh, tính cơ động cao, tính đột kích kinh hoàng như máy bay chiến đấu.

Ngày nay, trước sức phát triển rất nhanh của khoa học-công nghệ, trong đó có tiến bộ vượt bậc của tin học điện tử, định vị hàng không, vật liệu hàng không…sức mạnh tấn công của 1 máy bay chiến đấu lại càng lớn hơn.

Tính cơ động của máy bay trong hơn 20 năm qua được tăng cường đáng kể. Nhiều loại máy bay tác chiến ngày cũng như đêm, thời tiết phức tạp “đánh” cũng tốt như khi thời tiết thuận lợi. Việc tiếp dầu trên không đã cho phép máy bay chiến đấu hoạt động liên tục nhiều giờ, tầm bay xa, không phụ thuộc vào các căn cứ không quân xa hay gần…

Vũ khí hàng không hiện trở nên ”tinh khôn”, quá trình phát triển của “vũ khí thông minh” qua các phương pháp dẫn hướng, điều khiển: từ phương pháp dẫn hướng bằng sóng vô tuyến, dẫn hướng bằng hồng ngoại, đến dẫn hướng bằng laser, GPS và tiến tới là sự kết hợp INS/GPS …Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, 4+ và thế hệ thứ 5 đều có khả năng sử dụng vũ khí công nghệ cao, khiến cho độ chính xác trong ném, bắn, phóng bom, tên lửa ngày càng cao hơn, tiết kiệm được rất nhiều tiền của, hạn chế thấp nhất sự thiệt hại về máy bay, phi công, bom, đạn.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, các máy bay ném bom của Mỹ cần thả 648 quả bom để phá hủy một mục tiêu. Ở Việt Nam, những mục tiêu như vậy, không quân Mỹ cần 176 quả để phá hủy. Ngày nay, chỉ cần một vài quả bom, đạn hay tên lửa dẫn hướng chính xác có thể làm được . Trong chiến tranh vùng Vịnh, chỉ có dưới 10% vũ khí công nghệ cao được triển khai, sau chiến tranh Cô-xô-vô, tới việc can thiệp của Mỹ và đồng minh vào Áp-gha-ni-xtan, I-rắc…tỷ lệ vũ khí công nghệ cao được nâng lên trên dưới 80%. Trong đó không quân đóng vai trò quan trọng.

Trần Cung (Tổng hợp)

(còn nữa)