QĐND Online - Phát triển từ phòng thiết kế Micoian nổi tiếng, MiG-29 được đưa vào biên chế trong không quân Xô-viết năm 1983, với tên gọi Mig-29. NATO gọi Mig-29 là Fulcrum, dịch là “Điểm tựa”. Các nhà lãnh đạo Xô-viết khi ấy kỳ vọng Mig-29 có thể đối đầu với các máy bay tiêm kích thế hệ 4 của Hoa Kỳ như F-16 Fighting Falcon, F/A -18 Hornet.
Được đánh giá là dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm hạng nhẹ, thế hệ thứ tư, MiG-29 có khả năng đạt tốc độ tối đa lên tới 2.200km/h, tầm hoạt động 1.500km. Trang bị hỏa lực chính của máy bay này là một pháo bắn nhanh 30mm và 7 móc treo vũ khí cho phép lắp bom, tên lửa và thùng dầu phụ.
Những ngày đầu, khi mới ra đời, mỗi tiết lộ hiếm hoi về MiG-29 là một sự kiện cuốn hút. Bởi lẽ MiG-29 có nhiều tính năng mới lạ, như phi công MiG-29 có hệ thống hiển thị trực tiếp, “khóa” mục tiêu từ mũ bay, MiG-29 có khả năng bay kiểu “Rắn hổ mang” trên không, tên lửa bắn từ góc rất hẹp, khiến cho đối phương thực sự hoảng sợ.
Sau khi Liên-xô sụp đổ, không quân NATO đã thực hiện những trận “không chiến đối kháng” giữa MiG-29 của Đông Đức với F-16 của Mỹ, cùng một số máy bay khác. Họ khẳng định Mig-29 là máy bay đánh chặn nhanh nhẹn, khó có thể đánh bại nó trong không chiến quần lộn ở tầm gần, khi trang bị tên lửa R73 và hệ thống hiển thị “khóa” mục tiêu trên mũ phi công. Sau những trận đối kháng đó, cả Mỹ và Tây Âu phải rốt ráo nghiên cứu tên lửa không đối không tầm gần, tương đương tính năng như R73. Hệ thống hiển thị mục tiêu trực tiếp trên mũ phi công như Mig-29, được đưa vào trang bị theo “tiêu chuẩn bắt buộc”.
Từ đó đến nay, đã có trên 1600 chiếc MiG-29 được sản xuất, trong đó xuất khẩu 900 chiếc sang Algeria, Bangladesh, Bulgaria, Cuba, Cộng hòa Séc, Eritrea, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hungary, Ấn Độ, Iran, Iraq, Malaysia, Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Peru, Ba Lan, Romania, Serbia, Slovakia, Syria, và Yemen, các nước thuộc Liên Xô (cũ) Belarus, Kazakhstan, Moldova.
Ngày ấy, bây giờ?
Một chiếc MiG–29 từng được Nga rao bán với giá 40 triệu USD trong những thập kỷ trước. Nhưng giờ đây, ở các thị trường, MiG–29 luôn gặp số phận hẩm hiu. Cộng hòa Moldova muốn "tống khứ" nốt 6 chiếc MiG-29 còn lại trong biên chế, với một mức giá rẻ bèo,1 triệu USD/chiếc. Cuối năm 2008, Nga chào bán cho Lebanon 10 máy bay MiG–29 với mức “chiết khấu lớn” (chỉ có giá ít hơn 5 triệu USD/chiếc). Nhưng thương vụ không thành. Cho dù các phiên bản cải tiến MiG-29 M/M2 sau này Nga đã thay đổi vật liệu, giảm nhẹ trọng lượng, tăng nhiên liệu , tăng tầm bay, cải tiến động cơ, ra đa, thiết bị điện tử. Nó cũng trang bị thêm vũ khí tấn công mặt đất, đa năng hóa. Ngoài ra, MiG-29 K có khả năng sử dụng trên tàu sân bay, nhưng… MiG-29 bị chê bai, khó có thể gây sự chú ý như ban đầu.
Một trong những lý do chính là chi phí bảo dưỡng MiG-29 đắt đỏ. Năm 2008, chính Nga đã phải tạm cho dừng bay MiG-29. Họ kết luận, MiG-29 có “một số bộ phận bị ăn mòn”. Nó còn hạn chế bởi số giờ bay tới hạn thấp, khoảng 2500 giờ. MiG-29 tầm bay ngắn và động cơ sinh ra nhiều khói, rất bất lợi trong không chiến. Nó không sử dụng được một số loại vũ khí hàng không công nghệ mới…Trong khi đối thủ chính của nó, F-16 Fighting Falcon vẫn bán rất chạy ở Trung Đông. Đơn đặt hàng gần đây của Oman mua F-16 trị giá tới 3,5 tỷ USD, đến nỗi hãng Lockheed Martin quyết định phải tiếp tục duy trì sản xuất máy bay này cho tới năm 2013-2015.
Nâng cấp, tăng hạn, kéo dài “thọ mệnh”
Giờ bay tới hạn của MiG–29 nguyên bản là 2.500 giờ bay. Nga hy vọng MiG–29 sẽ bay vào khoảng 100 giờ/năm. Tuy nhiên, Ấn Độ và Malaysia thường xuyên sử dụng MiG-29 của họ gấp đôi thời lượng đó. Thế là Nga kiếm được khá nhiều tiền từ việc nâng cấp MiG–29 trong gia cố thân vỏ. Không chỉ vậy, trong số các MiG-29 đã bán, nó còn mang lại nguồn lợi cho Nga khi lắp đặt thêm các thiết bị điện tử mới. Nga đang mời chào hợp đồng gia cố khung máy bay và thêm nhiều nâng cấp nữa, để nâng tuổi thọ bay lên tới 4.000 giờ.
Nhưng bước sang thế kỷ 21, sự xuất hiện các máy bay tiên tiến thế hệ 4+, khiến cho các nước như Ba Lan, Ấn Độ, Ma-lai-xia…bây giờ chỉ kỳ vọng vào sự nâng cấp, tăng hạn để lấp chỗ trống khi chờ mua máy bay mới mà thôi.
Hiện Ba Lan và Ấn độ có số máy bay MiG-29 lớn trong biên chế. Ba Lan còn 31 chiếc. Bộ Quốc phòng Ba Lan dự định nâng cấp máy bay MiG-29 nhằm kéo dài “thọ mệnh” máy bay, bù đắp sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng chiến đấu trên không của nước này. MiG-29 nâng cấp sẽ có thùng nhiên liệu bên ngoài, một hệ thống laser và định vị GPS, một máy tính cập nhật thông tin liên lạc. Các chỉ số trong buồng lái sẽ được hiển thị nhiều màu. Sau đó ít lâu, MiG-29 sẽ nhận được hệ thống radar mới, hệ thống tác chiến điện tử, mũ phi công hiển thị thông tin về sử dụng vũ khí… Nhờ chương trình này, Ba Lan sẽ có thể kéo dài tuổi thọ của MiG-29 thêm 4 ngàn giờ bay, kéo dài “thọ mệnh” tới 20 năm, khoảng 2029.
Với Ấn Độ, quân đội bắt đầu mua MiG-29 ngay từ năm 1986. Tổng cộng quốc gia này đang sở hữu khoảng 80 máy bay MiG-29. Năm 2004, trong khuôn khổ hợp đồng chuyển giao tàu sân bay Admiral Gorshkov, Ấn Độ đã quyết định mua bổ sung thêm 16 máy bay MiG-29K/KUB loại trang bị trên tàu sân bay. Nhu cầu nâng cấp MiG-29 với Ấn Độ là tất yếu. Bản thân hãng MiG của Nga cũng đã quyết định chọn công ty Thales là nhà cung cấp phụ tùng cho quá trình nâng cấp các máy bay MiG-29 của Ấn Độ. Thales sẽ chuyển giao các trang thiết bị điện tử hàng không mới cho hãng MiG bắt đầu từ năm 2010 và quá trình lắp đặt các trang bị mới trên máy bay MiG-29 đầu tiên của Ấn Độ sẽ được tiến hành vào giữa năm 2011. Có tin MiG-29 của không quân Ấn Độ đều được nâng cấp để sử dụng tên lửa R-77 Adder như một thứ vũ khí tiêu chuẩn. MiG-29 cũng được sửa đổi để tương thích với các loại tên lửa BVR do Ấn Độ tự phát triển nằm trong chương trình có tên là Chương trình phát triển tên lửa tổng hợp (gọi tắt là Astra).
Các chuyên gia của hãng MiG sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các khâu chính trong quá trình nâng cấp mới này. Theo điều kiện của hợp đồng, Thales sẽ bàn giao cho hãng MiG các tổ hợp thiết bị giúp phân biệt “địch-ta” và hệ thống mã hóa cải tiến. Các trang bị mới này cho phép máy bay MiG-29 của Ấn Độ có thể trao đổi thông tin với các máy bay của lực lượng không quân NATO. Thales cũng cung cấp hệ thống dẫn đường quán tính, thiết bị định vị toàn cầu TOTEM 3000 và mũ phi công điều khiển tích hợp cho máy bay MiG-29 của Ấn Độ.
Đối với Iran, nước này đã hoàn thành quá trình nâng cấp Mig-29 đầu tiên của mình, công việc được tiến hành tại căn cứ không quân thuộc thành phố Tabriz. Điều đáng nói là toàn bộ quá trình này đều do các chuyên gia quân sự Iran tự tiến hành. Phiên bản nâng cấp tiêm kích MiG-29 do Iran tự tiến hành đã vượt qua các thử nghiệm kiểm tra tính năng cần thiết. Thông tin cụ thể về những hạng mục nâng cấp trên máy bay tiêm kích MiG-29 hiện vẫn chưa được công bố.
Trên sân của kỳ phùng địch thủ
Nếu như trong thời “chiến tranh lạnh”, việc lọt một nguyên mẫu máy bay cho nước đối địch là điều khó có thể xảy ra. Bằng chứng là phải vất vả lắm, Mỹ thông qua tình báo Israen, bằng chiêu mỹ nhân kế, mới “dụ” được viên phi công Iraq đào tẩu, mang 1 chiếc Mig-21 về cho Ten Avip. Nhật Bản và Hoa Kỳ khát khao có Mig-25 để “cắt lớp” nghiên cứu và họ đã có được cơ hội “trời cho”, khi phi công Liên Xô Viktor Belenko lái chiếc MiG-25 đào tẩu sang Nhật Bản vào năm 1976.
Năm 1997, Mỹ đã mua được 21 chiếc MiG-29 của Moldova để đánh giá và phân tích, theo hiệp định “Hợp tác chống mối đe dọa từ bên ngoài”. 14 chiếc MiG-29 được trang bị một radar gây nhiễu tích cực trên lưng . Nó có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân. Lý do mà Mỹ mua những máy bay này là để nghiên cứu, một phần khác để ngăn chặn MiG-29 sẽ được bán cho Iran. Cuối năm 1991, những chiếc MiG-29 đã được chuyển cho Trung tâm tình báo không trung và không gian quốc gia (NASIC) tại Căn cứ không quân Wright-Patterson gần Dayton, Ohio. Một chiếc MiG-29S của Moldova hiện đang trưng bày tại Bảo tàng không quân quốc gia Hoa Kỳ ở Wright-Patterson; một chiếc MiG-29UB ( hai chỗ ngồi, dùng trong huấn luyện) đang trưng bày tại trụ sở NASIC. Số phận những chiếc MiG-29 của Moldova không được tiết lộ, nhưng nhiều người tin rằng chúng đã bị loại bỏ. 1 chiếc MiG-29 đang trưng bày tại căn cứ không quân Nellis, Nevada, trong màu sơn của Liên Xô, trong khi 1 chiếc khác của Moldova đang đặt ở căn cứ trong màu ngụy trang nguyên bản của nó. Tại căn cứ không quân, hải quân Fallon, có 1 chiếc MiG-29 cũng đang được trưng bày.
Don Kirlin, một nhà sưu tập tư nhân có 2 chiếc MiG-29 mua lại được từ Kyrgyzstan; những chiếc MiG-29 này thiếu hệ thống điện tử và vài chi tiết khác. Hiện nay chúng đang được đặt tại sân bay Quincy, bang Illinois. Theo những công nhân làm việc tại sân bay, Kirlin đã trả 100.000 USD cho 2 chiếc máy bay này.
Trần Cung (Tổng hợp)