QĐND Online - Theo Le Monde, vào lúc 10 giờ 41 phút, giờ địa phương (tức 16 giờ 41 phút, giờ Hà Nội) ngày 5-4, máy gia tốc hạt lớn (LHC) của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), loại LHC lớn nhất thế giới, đã chính thức khởi động lại sau hai năm gián đoạn.

Ngay sau khi khởi động, một chùm proton đã thực hiện vòng quay tròn trong LHC với đường kính 27km, sau đó vào lúc 12 giờ 27 phút (giờ địa phương) tiếp tục thực hiện vòng quay thứ hai với cùng tuyến đường tương tự nhưng theo chiều ngược lại.

Bên trong máy gia tốc lớn (LHC) của CERN được đặt dưới mặt đất khoảng 100m ở khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Hơn hai năm trước đây, ngày 14-2-2013, LHC lại tạm ngưng hoạt động để chuẩn bị cho cú va chạm với mức tạo năng lượng là 13 TeV (TeV - điện tử vôn), cao hơn nhiều so với mức 3,5 TeV hiện nay. Để đạt được mục tiêu trên, trong hai năm qua, các nhà khoa học đã cải thiện những điểm hạn chế của LHC như sự ổn định của máy gia tốc, thu năng lượng cao, nâng cấp hệ thống làm mát cho các nam châm…

Nhẽ ra, CERN dự định khởi động lại LHC vào ngày 21-3 vừa qua song do xảy ra chập điện tại một trong số các nam châm nên kế hoạch trên buộc phải ngừng lại. Các chuyên gia đã hoàn thành việc khắc phục sự cố trên vào ngày 31-3 và sẵn sàng cho ngày khởi động lại LHC vào ngày 5-4.

Theo Tổng giám đốc CERN Rolf Heuer, việc LHC hoạt động trở lại sẽ có thể cho phép CERN tìm hiểu thêm hạt Higgs bosons, hạt cơ bản hình thành nên sự sống trên trái đất, từ đó giúp các nhà khoa học có thể giải thích được vũ trụ tối là gì. Ông Rolf Heuer cũng cho biết,  LHC sẽ hoạt động đến năm 2018 và vận hành ở mức tạo năng lượng là 13TeV. Sau đó LHC sẽ ngừng hoạt động để duy tu và nâng cấp. Chu kỳ làm việc tiếp theo của LHC sẽ bắt đầu từ năm 2035. Ông Rolf Heuer nhấn mạnh, trong thời gian hoạt động, LHC sẽ thực hiện nhiều vụ va chạm nữa để giúp các nhà khoa học khám phá những điều bí ẩn trong vũ trụ.

PHƯƠNG LINH