QĐND - Trong giai đoạn 2008-2015, các dòng máy bay Su đứng đầu về số lượng xuất khẩu với 280 chiếc với tổng trị giá 12,73 tỷ USD. Đó là thông tin được công bố ngày 9-7-2012 trong báo cáo của Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (SAMTO). Lý do nào lại khiến dòng máy bay này “lên cơn sốt” như vậy?
 |
Máy bay chiến đấu Su-35 Flanker. Ảnh: ausairpower
|
Nỗi khiếp đảm của phát-xít Đức
Ra đời năm 1939, Sukhoi là một công ty sản xuất máy bay quân sự lớn của Nga được lấy theo tên người sáng lập Pa-ven Ô-xi-pô-vich Xu-khôi (Pavel Osipovich Sukhoi). Kể từ khi được thành lập, Sukhoi đã cho ra lò hàng chục dòng máy bay Su, từ Su-2 tham chiến trong những năm diễn ra Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô (1940-1945) đến Sukhoi Superjet 100 hiện nay.
Ngày 29-7-1939, P. Xu-khôi và nhóm đồng sự của ông được giao nhiệm vụ điều hành nhà máy 135 tại thành phố Kha-kốp. Tại đây, hãng Sukhoi đã lần lượt cho ra đời các thế hệ máy bay chiến đấu tốc độ cao như Su-1, Su-2 và Su-3. Đây là giai đoạn đánh dấu cho sự khởi đầu của thế hệ máy bay Su.
Trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, khả năng tuyệt vời của Su-2 đã được chứng minh. Cuối năm 1942, tổng số máy bay Su-2 được chế tạo lên tới 912 chiếc. Những năm tháng chiến tranh, tập đoàn Sukhoi đã lần lượt phát triển các phiên bản mới Su-6 và Su-8. Đến cuối Thế chiến thứ hai, tập đoàn này tiếp tục phát triển các phiên bản máy bay đánh chặn Su-9, Su-11 và Su-15, rồi sau đó chuyển từ chế tạo máy bay phản lực sang chế tạo máy bay siêu âm với việc cho ra đời hơn 20 phiên bản mới Su-7 và Su-17. Tiếp đến là sự ra đời của máy bay ném bom chiến trường Su-24 vào năm 1969. Đây là mẫu máy bay có khả năng chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết.
Chỉ khoảng 3 năm sau khi P. Xu-khôi cho thông qua mô hình máy bay cường kích Su-25 và ký quyết định nghiên cứu chế tạo, ngày 22-2-1975, Su-25 đã chứng minh khả năng tuyệt vời trên bầu trời Liên Xô. Không lâu sau đó, chiếc Su-27 được “trình làng” và được đánh giá ngang hàng với F-35 Eagle của Mỹ. Trên cơ sở kế thừa những tính năng ưu điểm của Su-27, tập đoàn Sukhoi đã phát triển nghiên cứu chế tạo hàng loạt thế hệ máy bay chiến đấu mới như máy bay tấn công chiến lược Su-30, Su-30 MKI, máy bay tiêm kích Su-33, máy bay ném bom Su-34 và đặc biệt là máy bay tấn công đa năng Su-35. Nối tiếp với những thành công đó, Sukhoi tiếp tục thử nghiệm máy bay thế hệ thứ 5 PAK-FA và lần đầu tiên hai mẫu thử nghiệm máy bay Su-T-50 đã ra mắt trước công chúng tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2011 ở Giu-kốp-xki (Zhukovsky), ngoại ô Mát-xcơ-va.
Ngoài sản xuất các loại máy bay quân sự, tập đoàn Sukhoi cũng đã đạt được những thành công đáng ghi nhận trong việc thiết kế các dòng máy bay dân sự. Tháng 4-2011, Sukhoi bắt đầu khởi động quá trình quảng bá và bán ra thị trường máy bay chở khách tầm trung Sukhoi Superjet-100 (SSJ100). Đây là loại máy bay dân sự có hệ thống kiểm soát bay điện tử do Sukhoi kết hợp với một số hãng hàng không phương Tây phát triển. Theo dự báo của tập đoàn Sukhoi, đến năm 2030, sẽ có 1000 máy bay chở khách SSJ100 với các biến thể khác nhau được cung cấp cho các khách hàng.
Sức mạnh đáng gờm
Lần ra mắt đầu tiên tại Hội chợ hàng không quốc tế ở Pa-ri (Pháp), Su-27 đã khiến giới tình báo quân sự bị “sốc” bởi khả năng kỳ lạ của loại máy bay chiến đấu này. Su-27 có khả năng cơ động linh hoạt trên không mà không một loại máy bay chiến đấu nào của phương Tây bì kịp.
Trong khi đó, xét về tính năng, Su-30MKI là máy bay đa năng có tính vượt trội so với đa số máy bay cùng loại của phương Tây. Dòng máy bay Su-30 cũng giành được sự chú ý đặc biệt của giới quân sự nhiều nước. Su-30MKI có thể bay với tốc độ nhanh gấp hai lần tốc độ âm thanh và hoạt động trong vòng bán kính 1.600km cùng khả năng phóng các loại tên lửa, bom “thông minh” từ cự ly 300km và có phương tiện vô hiệu hóa các phương tiện phòng không của đối phương.
Theo kết quả điều tra dư luận thị trường gần đây, trên thế giới có ít nhất 2 tỷ người biết đến tên gọi dòng họ máy bay Su nổi tiếng của Nga, bởi dòng máy bay này không những đã ghi dấu ấn đậm nét nhất trong các trận không chiến tại các cuộc chiến tranh thế kỷ 20, mà còn được đánh giá là nằm trong tốp đầu các dòng máy bay hàng đầu thế giới của thế kỷ 21.
SAMTO dự báo, trong giai đoạn 2012-2015, Su sẽ chiếm 15,7% tổng giá trị máy bay tiêm kích xuất khẩu của thế giới và 21,9% về số lượng. Trong đó, riêng Ấn Độ đặt mua 109 chiếc Su với tổng trị giá 5,33 tỷ USD. Các dòng máy bay Su vẫn đang chứng minh sức hấp dẫn khó có thể chối từ, ít nhất là trong tương lai gần.
LÂM MẠNH TOÀN