Lầu Năm Góc đang xúc tiến việc thành lập một cơ quan tình báo mới mà giới phân tích cho là tập trung vào theo dõi I-ran và Trung Quốc...
QĐND - Lầu Năm Góc đang xúc tiến việc thành lập một cơ quan tình báo mới mà giới phân tích cho là tập trung vào theo dõi I-ran và Trung Quốc. Theo tờ Thời báo Niu Y-oóc, động thái này cho thấy sự chuyển hướng trọng tâm hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang tập trung phần lớn cho các khu vực chiến tranh ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Cơ quan tình báo mới mang tên Cơ quan Mật vụ quốc phòng (DCS) sẽ sử dụng các điệp viên, giới chức cũng như các cơ sở vật chất tình báo hiện có. Cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan tình báo trung ương (CIA) trong các hoạt động ngăn chặn các mối đe dọa đang nổi lên. Một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định, DCS sẽ tăng dày phạm vi hoạt động của tình báo Mỹ ở nước ngoài.
Số lượng điệp viên của DCS dự kiến sẽ gia tăng nhiều hơn từ con số vài trăm hiện nay trong những năm tới bằng cách luân chuyển các vị trí. Thông báo về việc thành lập cơ quan tình báo mới xuất hiện một tuần sau khi Lầu Năm Góc bổ nhiệm tướng Mai-cơn Phlin (Michael Flynn), người từng phục vụ tại Bộ chỉ huy đặc nhiệm liên quân Mỹ (JSOC), làm người lãnh đạo ngành tình báo quân đội. Việc lựa chọn tướng Phlin cũng như việc thành lập cơ quan tình báo mới của quân đội Mỹ cho thấy uy thế và vai trò gia tăng của tình báo quân đội Mỹ thời gian qua. JSOC chính là cơ quan đứng đằng sau một loạt vụ tiêu diệt các thủ lĩnh hàng đầu của lực lượng nổi dậy ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan trong những năm qua. Chính lực lượng này đã thực hiện vụ tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen một năm trước đây. Cùng tiến hành các hoạt động chiến tranh bí mật cũng như hoạt động trong lĩnh vực tình báo, nhưng JSOC đã tạo ra những hiệu quả tác chiến lớn hơn rất nhiều lần so với CIA. Cụ thể, lực lượng này góp phần tiêu diệt nhiều phần tử Al-Qaeda hơn, bắt giam và thẩm vấn nhiều nghi can khủng bố hơn.
Hiện nay, các sĩ quan tình báo của cơ quan tình báo quốc phòng đã bí mật thu thập các tin tức tình báo bên ngoài các khu vực chiến tranh thông thường. Các thông tin họ thu thập bao gồm về khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt và các vấn đề khác nhau trên toàn cầu. Họ sẽ hoạt động cùng với các điệp viên CIA để thu thập tin tức ở các địa bàn trọng điểm được xác định. Ngoài I-ran và Trung Quốc, các nhân viên tình báo quốc phòng Mỹ sẽ được cử tới tăng cường cho các nhóm tình báo Mỹ đang hoạt động tại các địa bàn mà Oa-sinh-tơn đang ngày càng chú ý như châu Phi, nơi Al-Qaeda hoạt động ngày càng ráo riết. Hay một phần châu Á, nơi Mỹ lo ngại về mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu nội bộ của Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia vào năm ngoái, cơ quan tình báo quân đội sẽ vẫn tập trung nhiều hơn vào các nhiệm vụ truyền thống như cung cấp tin tức cho quân đội những tin tức tình báo ở các khu vực chiến sự.
Các sĩ quan tình báo quân đội ngoài báo cáo với cơ quan tình báo quân đội trong nước, họ sẽ báo cáo trực tiếp với đại diện tình báo cao nhất tại cụm tình báo mà họ hoạt động vốn thường do người của CIA đảm nhiệm. Sự sắp xếp này nhằm xoa dịu nhiều ý kiến phàn nàn rằng, tình báo quân đội đang ngày càng “lấn sân” của CIA và các cơ quan tình báo khác của Mỹ.
ĐỨC ANH