QĐND Online - Máy bay không người lái (UAV) mang vũ khí tấn công đang tạo ra những thay đổi lớn trong chiến tranh hiện đại. Quân đội Mỹ hiện có khoảng 6.000 UAV trong khi các quốc gia khác cũng đang hối hả nghiên cứu, chế tạo phương tiện chiến tranh có tính cơ động, chính xác cao và chi phí phải chăng này. Báo QĐND Online đã tìm hiểu chặng đường UAV trở thành bộ phận quan trọng của cỗ máy chiến tranh Mỹ.

Kỳ 1: Đi tìm cha đẻ của máy bay không người lái

Không nhiều người biết rằng, dòng máy bay không người lái Predator (Dã thú) chủ lực của quân đội Mỹ lại do một kỹ sư Israel tên là Abraham Karem chế tạo. Abraham Karem hiện vẫn được coi là “cha đẻ” của máy bay không người lái hiện đại

Chế tạo máy bay trong 1 tháng

Abraham Karem sinh năm 1937 tại Baghdad, Iraq trong một gia đình người Do Thái. Đến năm 1951, gia đình ông chuyển về Israel. Nhiều người biết Abraham Karem từ nhỏ đều nói rằng, ông dường như được sinh ra là để làm kỹ sư hàng không. Ngay từ thời học phổ thông, ở tuổi 14, Abraham Karem, được sự khuyến khích của một thầy giáo từng là phi công, đã mày mò chế tạo nhiều mô hình máy bay. 

Với niềm đam mê lớn, Abraham Karem đã thi đỗ vào khoa Hàng không vũ trụ của Viện Công nghệ danh tiếng bậc nhất Israel. Sau khi tốt nghiệp đại học, Abraham Karem đã gia nhập lực lượng Không quân Israel. 13 năm kể từ ngày ra trường, Abraham Karem đã hoàn thành và triển khai 16 dự án cải tiến máy bay để lắp thêm vũ khí và nâng cao khả năng tác chiến.

 

Ông Abraham Karem và mô hình chiếc Albatross. Ảnh: seraphicpress.com.


Bước ngoặt trong sự nghiệp của Abraham Karem diễn ra năm 1973 khi ông chế tạo thành công chiếc máy bay không người lái đầu tiên. Trong cuộc chiến Yom Kippur giữa Israel và các nước Arab, Israel đã bị thiệt hại một số lượng không nhỏ máy bay chiến đấu bởi vấp phải hệ thống phòng không do Liên Xô cung cấp cho Ai Cập và Syria. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Israel nghĩ đến việc chế tạo một thiết bị bay không người lái làm “mồi nhử” để các tổ hợp tên lửa phòng không hoạt động. Sau đó khi phát hiện vị trí của các hệ thống phòng không này, Israel sẽ dùng tên lửa để tiêu diệt. Abraham Karem được giao nhiệm vụ thành lập 1 nhóm nghiên cứu, chế tạo thiết bị bay này. Thật đáng kinh ngạc, chỉ trong vòng một tháng nhóm của Abraham Karem đã chế tạo được chiếc máy bay không người lái đầu tiên của Israel. “Ở Israel thời bấy giờ, trung bình chúng tôi chỉ mất 6 tháng để đưa một ý tưởng trở thành chuyến bay thử nghiệm”, ông Abraham Karem tiết lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí The Economist.

Cơ sở nghiên cứu trong… ga-ra

Các máy bay có người lái truyền thống thường đóng vai trò rất quan trọng trong các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, khi chúng được triển khai tham chiến cũng đồng nghĩa với việc tính mạng của phi công và một khối tài sản khổng lồ bị đặt vào tình huống rủi ro cao. Chính vì vậy, quân đội Mỹ từ lâu cũng đã tính tới nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái. Abraham Karem sang Mỹ định cư năm 1977, đúng vào thời điểm chương trình nghiên cứu, chế tạo UAV của Lầu Năm góc đang bế tắc. Lúc đó, Aquila, loại UAV được xem là có triển vọng nhất của quân đội Mỹ, phải cần tới 30 người để cất cánh. Aquila cũng chỉ bay được vài phút rồi phải hạ cánh và cứ trung bình 20 giờ bay lại gặp tai nạn.

Sau khi đến Mỹ, Abraham Karem đã thành lập công ty Leading Systems để sản xuất thiết bị bay không người lái với cơ sở nghiên cứu, chế tạo nằm ngay trong ga-ra của nhà ông. Và có thể nói, một trong những phương tiện chiến tranh chủ lực của quân đội Mỹ hiện nay ra đời chính từ cái ga-ra của nhà ông Abraham Karem.

Chỉ với vài kỹ sư và các vật liệu rẻ tiền, sẵn có như gỗ dán, sợi thủy tinh tự chế và một động cơ ô tô bình thường, Leading Systems đã sản xuất được chiếc UAV mang tên Albatross. Sau khi chứng kiến cuộc thử nghiệm mà Albatross có thể hoạt động trên không liên tục 56 giờ, các quan chức của Cục Nghiên cứu công nghệ quốc phòng tối tân (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định đầu tư tiền để ông Abraham Karem chế tạo UAV cho quân đội Mỹ. Loại UAV này được gọi là Amber và sau này nó được nâng cấp trở thành Dã thú.

(còn nữa)

ĐẶNG LÊ