QĐND Online - Tương lai hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên chiến trường (CSAR) của Không quân Mỹ đang ngày càng trở nên mù mịt khi các tướng lĩnh cao cấp vẫn tiếp tục tranh cãi gay gắt về việc lựa chọn loại máy bay và vũ khí phù hợp nhất cho nhiệm vụ này.

Trong suốt nhiều tháng qua, Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm Đường không (AFSOC) đã lặng lẽ tiến hành vận động hành lang để được giao đảm nhận nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên chiến trường thay cho Bộ Tư lệnh Tác chiến Đường không (ACC) bằng cách thuyết phục về khả năng tiến hành các nhiệm vụ này với số lượng máy bay ít hơn và chi phí thấp hơn.

AFSOC muốn sử dụng loại trực thăng vận tải lưỡng thể CV-22 Osprey của liên doanh Bell-Boeing và một số trực thăng HH-60 của Sikorsky (là loại trực thăng đang được sử dụng trong các hoạt động cứu hộ quân sự). Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Quốc gia và Lực lượng Không quân Dự bị sẽ chỉ sử dụng trực thăng HH-60 giống như hiện nay.

CV-22 Osprey. Nguồn: air-attack.com

Bất đồng trong nội bộ Không quân Mỹ là ví dụ điển hình cho những tranh cãi nổ ra ngày một gay gắt trong Quân đội nước này xung quanh việc sử dụng ngân sách trong bối cảnh phải “thắt lưng buộc bụng”. Các mâu thuẫn xuất hiện từ khi Không quân Mỹ lên kế hoạch ký hợp đồng mua 112 chiếc trực thăng mới để thay thế những chiếc HH-60G Pave Hawk đã hư hỏng. Đây là lần đầu tiên trong suốt hơn một thập kỷ qua nội bộ Không quân Mỹ mới xảy ra bất đồng như vậy, kéo theo sự vào cuộc của một số tướng lĩnh cấp cao của Quân đội.

Trong hơn 10 năm đó, Không quân Mỹ đã nhiều lần cố gắng tìm cách thay thế phi đội trực thăng CSAR “già nua” nhưng đều thất bại. Bộ Quốc phòng nước này vẫn luôn coi tìm kiếm cứu nạn và chữa trị thương tật cho binh sĩ là một trong những nhiệm vụ nòng cốt.

Hiện nay, Không quân Mỹ đang triển khai khoảng 100 chiếc trực thăng HH-60G Pave Hawk tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên chiến trường. 2/3 số phi công trong số đó thuộc biên chế của Không quân, số còn lại thuộc Lực lượng Phòng vệ và Lực lượng Dự bị. Các phi đội CSAR liên tục được điều động đến chiến trường Afghanistan và thường xuyên phải tiến hành các nhiệm vụ cứu thương dưới làn đạn đối phương.

Chương trình thay thế các trực thăng tìm kiếm cứu nạn với tên gọi CSAR-X đã triển khai nhằm thay thế trực thăng hạng trung HH-60G bằng một loại máy bay to, mạnh mẽ và tiên tiến hơn. Đây từng là ưu tiên số 2 trong kế hoạch mua sắm trang bị của Không quân Mỹ.

Năm 2006, Không quân nước này đã lựa chọn HH-47 Chinook của hãng Boeing nhưng sau đó đã thay đổi quyết định sau khi Ủy ban Giải trình Chính phủ nhận được rất nhiều ý kiến phản đối về việc mất thầu của 2 hãng Lockheed Martin và Sikorsky.

Kể từ đó, chương trình này đã phải tiến hành nhiều sửa đổi với nhiều lần trì hoãn. Thậm chí vào năm 2009, ngay cả tên gọi của chương trình cũng đã bị thay đổi.

60 Pave Hawk. Nguồn: defencetalk.com

Do ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm “mạnh tay” nên Lầu Năm Góc buộc phải tính toán lại các yêu cầu đối với chương trình này, khiến cho Sikorsky đã trở thành hãng duy nhất còn trụ lại trong lần đấu thầu gần nhất. Không quân dự kiến sẽ công bố tên công ty trúng thầu vào tháng 9 năm nay.

Ngay cả khi ACC tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ thì tương lai của hoạt động này vẫn vô cùng bấp bênh nếu ngân sách còn tiếp tục bị cắt giảm. Nhiều khả năng ngân sách giành cho Không quân sẽ giảm đi khoảng 10 tỷ USD/năm trong vòng 9 năm tới.

Bên cạnh trực thăng CSAR, Không quân còn muốn thay thế một loạt máy bay đã lỗi thời bao gồm các máy bay tiếp liệu, tiêm kích và ném bom bằng các chương trình điều chỉnh cơ cấu phân bổ ngân sách.

Theo một số nguồn tin, Không quân có thể sẽ phải từ bỏ ý định đảm nhận toàn bộ các nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ trên chiến trường nếu ngân sách bị cắt giảm quá nhiều.

Lầu Năm Góc đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng đối mặt với các đợt cắt giảm ngân sách khác, trong đó, tương lai của hoạt động tìm kiếm cứu hộ trên chiến trường cũng là một nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo.

Phát ngôn viên của Không quân Mỹ Jennifer Cassidy cho biết, do lực lượng này đang phải lên kế hoạch đương đầu với các đợt cắt giảm ngân sách mới trong tương lai nên họ sẽ xem xét tất cả các phương án để có thể tiết kiệm tối đa các nguồn lực và tất cả đều sẽ được thảo luận kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ trên chiến trường từng do AFSOC đảm nhiệm trong giai đoạn 2003-2006 nhưng sau đó, Tướng Michael Moseley (sau này là Tư lệnh Không quân Mỹ) đã quyết định điều chỉnh để ACC quay lại đảm nhận như hiện nay.

Vào thời điểm đó, Không quân cho rằng, giao cho ACC đảm nhận là để đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất phải nhằm phục vụ trực tiếp cho các binh sĩ cũng như các đơn vị không quân chiến đấu, đồng thời góp phần củng cố việc quản lý các nguồn lực vốn hạn chế của Không quân. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng tính chất đặc thù của hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên chiến trường phù hợp hơn với AFSOC bởi đây là một lực lượng mạnh mẽ, linh hoạt và đáng tin cậy.

Một phi đội CSAR điển hình hiện bao gồm hai loại máy bay là trực thăng HH-60 và máy bay tiếp liệu HC-130 của Lockheed Martin.

Tướng George Williams, Phó Tư lệnh AFSOC cho rằng, giao cho lực lượng này đảm nhận nhiệm vụ cứu hộ sẽ giúp tiết kiệm hơn 3 tỷ USD trong 1 thập niên tính từ 2015.

Dựa vào hồ sơ cũng như các nguồn tin, ông Williams tin tưởng rằng trực thăng vận tải CV-22 mà AFSOC đang sử dụng thích hợp với loại hình nhiệm vụ này hơn so với HH-60 do có phạm vi hoạt động xa hơn và tốc độ nhanh hơn.

AFSOC cũng tin rằng CV-22 là sự lựa chọn thích hợp hơn khi phải triển khai tại các không phận bị hạn chế, trong khi đây chính là nội dung trọng tâm trong việc xây dựng kế hoạch tác chiến tương lai của Không quân.

AFSOC muốn thay thế 31 trong số 66 chiếc HH-60 đang được sử dụng bằng 18 chiếc CV-22 Osprey mới. Đây sẽ là số máy bay bổ sung vào kế hoạch xây dựng phi đội 49 chiếc CV-22 cho các nhiệm vụ đặc biệt của lực lượng này.

Nhưng theo kế hoạch, phi đội CV-22 này bắt buộc chỉ được sử dụng cho các nhiệm vụ đặc biệt nên việc Bộ Tư lệnh Không quân có biên chế 18 chiếc CV-22 mới cho riêng nhiệm vụ cứu hộ hay không vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn. Theo các tài liệu về ngân sách của Không quân, mỗi chiếc CV-22 có giá khoảng 77 triệu USD, đắt gấp 3 lần so với HH-60.

Kế hoạch của AFSOC cũng bao gồm việc nâng cấp các máy bay HC-130 thành phiên bản đặc nhiệm MC-130. Theo kế hoạch này, các trực thăng HH-60G Pave Hawk cũ thuộc phi đội cứu hộ của Lực lượng Phòng vệ Đường không Quốc gia và Lực lượng Không quân Dự bị sẽ đc thay thế bằng 60 chiếc trực thăng mới cùng loại.

Theo các nguồn tin, ACC, đơn vị đang đảm nhận nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, mà đặc biệt là tướng Michael Hostage (Tư lệnh), đã phản đối đề xuất của AFSOC.

Các sỹ quan tham mưu của ACC cho rằng, sẽ chẳng có gì gọi là “tiết kiệm” khi hủy bỏ việc tái cơ cấu số trực thăng Pave Hawk hiện có và mua mới các máy bay CV-22. Bên cạnh đó, phi đội cứu hộ của ACC được xây dựng chuyên cho nhiệm vụ giải cứu các máy bay bị bắn rơi. Nếu nhiệm vụ này được chuyển sang cho AFSOC, nhiều người sẽ tỏ ra nghi ngờ rằng, liệu các hoạt động cứu hộ có được ưu tiên không khi mà các trực thăng CV-22 còn phải đảm nhận các nhiệm vụ đặc biệt?

Đã có thông tin về việc kế hoạch của AFSOC không được thông qua từ tháng 5. Tuy nhiên, đầu tháng 6, vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc trong các cuộc họp cấp cao. Theo đó, những người đứng đầu chương trình này đã được yêu cầu soạn một bản dự thảo về yêu cầu thay đổi của chương trình và lên danh sách các bộ phần cần chuyển giao từ ACC sang AFSOC, bao gồm các thay đổi về nhân lực cũng như chi phí cho việc chuyển giao.

Động thái này không có nghĩa là chương trình đã được thông qua, nhưng nó cho thấy các quan chức cấp cao đang muốn xem thử một đơn vị tìm kiếm cứu hộ của AFSOC sẽ có cơ cấu tổ chức như thế nào.

Sau thất bại của chương trình CSAR-X vào năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng khi ấy là ông Robert Gates đã yêu cầu xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ trên chiến trường và điều trị thương tật cho binh sĩ.

Vào thời điểm đó, Bộ Tư lệnh Liên quân Mỹ (sau này được sát nhập vào Bộ Tổng tham mưu Liên quân) cho rằng V-22 sẽ không phù hợp với nhiệm vụ cứu hộ, mà cụ thể là kéo những người còn sống lên máy bay, bởi gió từ các cánh quạt ở 2 cánh thổi xuống với lực quá mạnh. Báo cáo này cũng phản đối việc kết hợp trực thăng lưỡng thể và trực thăng thông thường vào cùng một phi đội tìm kiếm cứu hộ.

Ý tưởng xây dựng phi đội kết hợp với sự có mặt của trực thăng V-22 sẽ luôn đòi hỏi các thành viên trong phi đội phải biết cách tiếp cận đồng thời với cả 2 loại máy bay. Điều này sẽ khiến người thực hiện nhiệm vụ phải mất thêm nhiều công sức để đảm bảo nắm vững được các tình huống có thể phát sinh trong khi chẳng có gì khẳng định là sẽ nâng cao được hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Báo cáo này còn cho rằng, V-22 sẽ có thể gặp trụ trặc khi bay cao và trong thời tiết nóng. Đã có một số thông tin về tình trạng bay không ổn định trong thời tiết nóng của V-22 được đề cập trong báo cáo tai nạn của AFSOC hồi tháng 6-2012, khi một chiếc CV-22 rơi ở Florida.

Sau khi chiếc máy bay này gặp tai nạn, một chiếc CV-22 khác đến để đưa những người bị thương đi nhưng đã phải bỏ cuộc vì cánh quạt của nó thổi gió xuống quá mạnh. Nó liền bay quanh khu vực tai nạn bằng chế độ máy bay để cố gắng làm mát hộp số cánh quạt đang bắt đầu trở nên nóng ran. Cuối cùng, một chiếc trực thăng bình thường của Quân đội đã phải tiến hành cứu hộ thay chiếc CV-22.

Tuy nhiên CV-22 Osprey từng tiến hành các nhiệm vụ cứu hộ trên chiến trường. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến cuộc cứu hộ một phi công sau khi chiếc F-15 của anh ta rơi tại chiến trường Libya vào năm 2011.

HỮU ĐÔ (theo Defense News)