Bắt đầu từ năm 2012, không quân Mỹ sẽ nâng cấp các phi đội chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22 Raptor hiện có. Với dự toán ngân sách khoảng 500 triệu USD/năm, không quân Mỹ dự kiến sẽ tiến hành chương trình nâng cấp chiến đấu cơ “Chim ăn thịt” trong vài năm tới...
QĐND Online - Bắt đầu từ năm 2012, không quân Mỹ sẽ nâng cấp các phi đội chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22 Raptor hiện có. Với dự toán ngân sách khoảng 500 triệu USD/năm, không quân Mỹ dự kiến sẽ tiến hành chương trình nâng cấp chiến đấu cơ “Chim ăn thịt” trong vài năm tới. Theo đánh giá của Flightglobal, tổng chi phí của chương trình nâng cấp máy bay thế hệ 5 nói trên có thể sẽ đạt con số kỉ lục tới 16 tỉ USD.
Hiện tại, thông tin chi tiết về chương trình nâng cấp chiến đấu cơ F-22 vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo các thông tin được công bố, chiến đấu cơ F-22 nâng cấp sẽ được trang bị radar hàng không, hệ thống máy tính, đạn tên lửa mới. Ngoài ra, một số kết cấu của F-22 cũng được thay đổi để giúp đơn giản hóa quá trình bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Chịu trách nhiệm thực hiện chương trình nâng cấp nói trên sẽ là Lockheed Martin (cha đẻ của chiến đấu cơ F-22) và một số nhà thầu phụ khác.
 |
Quá trình bảo dưỡng chiến đấu cơ F-22. Ảnh: af.mil
|
Tính tới thời điểm tháng 12-2010, không quân Mỹ đang sở hữu tổng cộng 166 chiến đấu cơ F-22. Theo các thông tin công bố vào trung tuần tháng 9-2010, số lượng máy bay F-22 của không quân Mỹ sẽ đạt con số 187 đơn vị vào năm 2012, thời điểm quá trình sản xuất dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 này chính thức “đóng cửa”.
Theo kế hoạch của không quân Mỹ và hãng Lockheed Martin, dây chuyền sản xuất chiến đấu cơ F-22 sẽ được tái sử dụng cho việc sửa chữa, nâng cấp và sản xuất phụ tùng thay thế dành cho các phi đội chiến đấu cơ “Chim ăn thịt” hiện có.
Được biết tới là dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 duy nhất trên thế giới hiện nay đã được tiếp nhận vào trang bị, F-22 Raptor có khả năng đạt tốc bay tới 2.400 km/giờ và có bán kính chiến đấu đạt 760 km. Sức mạnh của dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 này là một pháo hàng không 20 mm và 12 móc treo vũ khí (4 dưới cánh và 8 trong thân máy bay) để lắp bom, tên lửa tùy theo nhiệm vụ tác chiến.
Tuấn Sơn (theo Lenta)