QĐND Online - Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định nối lại chương trình phát triển vũ khí laser hàng không với mục đích chính là để tiêu diệt máy bay, tên lửa đạn đạo và vệ tinh của đối phương. Chương trình phát triển "tia sáng chết người" này sẽ do Tổ hợp Almaz-Antey, Viện Nghiên cứu công nghệ hàng không mang tên Beriev ở Taganrog và công ty Khipromavtomachika phối hợp thực hiện. Cần nhấn mạnh rằng, năm 2011, Mỹ đã bỏ chương trình laser hàng không của mình (ABL) vì không khả thi và quá tốn kém.
Dang dở nhiều lần vì....thiếu kinh phí
Liên bang Xô viết bắt đầu chương trình phát triển laser mục đích quân sự từ năm 1965. Tới năm 1973, một tổ thiết kế chuyên môn đã được thành lập thực hiện tham vọng này và kết quả là mẫu thử bay mang vũ khí laser thực nhiệm A-60 (máy bay IL-76 hoán cải) ra đời. Thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1983, tới năm 9184, A-60 (2 máy bay) bắt đầu giai đoạn thực nghiệm vũ khí.
Tuy nhiên, tới đầu những năm 1990, do Liên Xô sụp đổ, thiếu kinh phí, chương trình A-60 đã bị tạm dừng. Trong giai đoạn sau đó, chương trình tồn tại là nhờ các nguồn đầu tư cá nhân. Tới năm 2009, chương trình A-60 được khôi phục nhờ công của viện sĩ hàn lâm Liên bang Nga, tiến sĩ Yury Zaitsev với việc thay đổi mục đích của dự án. Theo các thông tin được công bố năm 2010, A-60 đã được trang bị công nghệ "laser làm mù".
 |
Là chương trình đầy tham vọng, nhưng những biến đổi lịch sử và thiếu kinh phí đã làm A-60 không được thực hiện một cách đầu cuối.
|
Mục đích chính của thử nghiệm mới trên A-60 là sử dụng tia laser để làm mù hệ thống dẫn đường quang điện của tên lửa và khả năng giảm sát vi quang từ vệ tinh. Tuy nhiên, thông có thông tin ghi nhận thành công của hướng đi này. Tới năm 2011, A-60 một lần nữa bị dừng vì thiếu kinh phí và nhiều thiết bị trên mẫu A-60 bị tháo bỏ.
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, sau khi chương trình A-60 được nối lại, mẫu thử bay A-60 duy nhất còn lại sẽ được trang bị hệ thống phát laser 1LK222 công suất lớn hơn. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Tổ hợp Almaz-Antey và Khipromavtomachika. Ngoài ra, trong năm 2013, A-60 sẽ được nâng cấp và trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực Falcon-Echelon cung cấp khả năng kiểm soát nguồn phát laser và dẫn hướng chính xác cho tia laser chiếu tới mục tiêu.
Bản thân quân đội Nga vẫn đang phân vân về việc sau khi hoàn tất giai đoạn thử nghiệm, hệ thống laser hàng không sẽ được trang bị trên máy bay vận tải hoán cải hay máy bay ném bom hạng nặng. Tuy nhiên, để đạt tới bước này, mẫu thử A-60 sau khi nâng cấp cần đạt được hiệu năng tác chiến và độ tin cậy mong muốn.
Theo lý thuyết mới, vũ khí laser hàng không của Nga không chỉ làm mù mục tiêu, mà phải phá hủy nó. "Laser mang năng lượng nhiệt sẽ đốt cháy mục tiêu. Nó thể hoạt động ổn định ở trong môi trường khí quyển trái đất, cũng như ngoài vũ trụ. Mục tiêu chính của vũ khí laser trong tương lai là các loại đạn tên lửa siêu thanh và các phương tiện bay vũ trụ", tờ báo Izvestia đăng tải. Mục tiêu sắp tới của chuyên gia Nga là chế tạo hệ thống phát tia laser công suất lớn và có độ tin cậy cao.
Khả năng phá hủy của vũ khí laser phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dẫn hướng nguồn phát chính xác và duy trì phát tia laser vào mục tiêu trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, đặc tính khí quyển (độ ẩm, nhiệt độ không khí...) cũng ảnh hưởng rất lớn tới khả năng hội tụ của tia laser.
 |
Mong muốn tạo "lá chắn tên lửa" trên không ABL của Mỹ đã phải tạm hoãn vì những rào cản kỹ thuật và việc cắt giảm ngân sách quốc phòng hiện nay.
|
Trong thực tế, tầm bắn hiệu dụng tốt nhất của tia laser là tầm trong tầm nhìn thẳng (30km). Nếu khoảng cách càng lớn, chùm laser phát đi sẽ va chạm với các thành phần trong bầu khí quyển và mất năng lượng. Cùng với đó, trong chùm phát laser cũng có "ngưỡng chết" khi đạt điểm này, chùm tia sẽ mất đi đáng kể năng lượng và hiện tượng tự hội tụ của các chùm laser công suất lớn. Cũng vì lý do trên, chương trình ABL của Mỹ đã bị tạm dừng vì không khả thi và chi phí quá đắt đỏ.
Một số dự án vũ khí laser đáng chú ý hiện nay
Mỹ cũng có dự án phát triển ABL hóa năng của riêng mình với việc hoán cải máy bay chở hàng Boeing 747 -400F thành mẫu thực nhiệm YAL-1. Nguyên tắc hoạt động của ABL Mỹ là được chia làm 3 giai đoạn. Đầu tiên, hệ thống cảm biến phát hiện ra tên lửa mục tiêu và tốc độ bay của nó. Chính hệ thông này sẽ hỗ trợ dẫn hướng chính xác nguồn phát laser vào mục tiêu căn cứ vào các thông số về bầu khí quyền thời điểm đó. Chùm laser tiêu diệt tên lửa đối phương có công suất phát đạt 1 Megawatt được chiếu tới mục tiêu khi các thông số được tính toán chuẩn. Toàn bộ quy trình này mất khoảng 2 phút. Để thực hiện bắn lần 2, hệ thống cần thời gian nạp năng lượng kéo dài 1 giờ.
Năm 2009, YAL-1 đã lần đầu tiên tham gia thực nghiệm chiến đấu. Mặc dù, chùm laser phát đi đã bám được mục tiêu, nhưng tên lửa giả lập không bị bắn hạ.
Vụ thử tiếp theo của YAL-1 được tiến hành vào tháng 1-2010 với 2 tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng và rắn giả lập làm mục tiêu. Vụ thử trên được ghi nhận là thất bại.
 |
Mẫu thử pháo laser của MBDA.
|
Ngoài ABL, Mỹ còn phát triển nhiều dạng vũ khí laser trên bộ. Cụ thể, theo yêu cầu của hải quân Mỹ, Boeing và BAE Systems đang phát triển pháo laser có công suất 10 Kilowatt và có kích thước tương đương bệ pháo 25mm. BAE Systems hiện cũng tham gia chương trình phát triển pháo ray điện dự kiến trang bị trên các khu trục hạm lớp Zumvalt (Mỹ).
Tháng 9-2012, một chi nhánh của MBDA tại Đức tuyên bố đã thử thành công pháo laser có công suất 40 Kilowatt. Tổ hợp vũ khí trên đã tiêu diệt thành công một số đạn cối mục tiêu và bắn xuyên qua 40mm thép. Israel cũng đang có dự án phát triển vũ khí laser (quang điện) nội địa để trang bị trên xe tăng Merkava thế hệ mới.
Từ đầu những năm 1990, Nga cũng có chương trình phát triển vũ khí laser trên bộ, nhưng thông tin về tổ hợp vũ khí này được công bố rất hạn chế. Mẫu thử đầu tiên của vũ khí laser dạng này đã được trang bị trên khung gầm pháo tự hành Msta-S với tên gọi 1K17 Compression sẽ dùng chùm laser đa kênh thể rắn. Tuy nhiên, do tính khả thi không cao. Dự án này sau đó đã bị hủy bỏ.
TUẤN SƠN (theo Lenta)