QĐND Online - Tiến trình đấu thầu đối với chương trình trang bị 60 máy bay chiến đấu mới của Hàn Quốc sẽ kết thúc vào ngày 28-6 tới đây. Để giành được gói thầu có trị giá 7,3 tỷ USD trên, 3 hãng tham gia đấu thầu chắc chắn sẽ phải “gồng mình” vận động trong những ngày áp chót này.

Đây là giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch “KF-X” của Quân đội Hàn Quốc nhằm trang bị 120 máy bay tiên tiến trước năm 2020 để thay thế phi đội F-4 Phantom đã cũ.

Ba nhà thầu tham gia cạnh tranh bao gồm Lockheed Martin với mẫu tiêm kích F-35A, Boeing với F-15 Silent Eagle và EADS với mẫu máy bay tấn công Eurofighter Typhoon.

Các hãng này phải cung cấp mức giá đề xuất đối với mẫu máy bay của mình và các phụ tùng đi kèm cho Ban Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc (DAPA).

Phát ngôn viên của DAPA Baek Yoon-hyung cho biết, quá trình đấu thầu sẽ kéo dài đến ngày 28-6 và trong khoảng thời gian đó, các nhà thầu sẽ phải liên tục đưa ra các mức giá để phía Hàn Quốc xem xét.

Typhoon của EADS Nguồn: air-attack.com

Yêu cầu mấu chốt trong đợt đấu thầu này là các nhà thầu phải đưa ra được một mức giá đề xuất nằm trong phạm vi ngân sách cho phép của chương trình (7,3 tỷ USD). Và ngay cả khi đã thỏa mãn điều kiện trên, DAPA cũng sẽ đề nghị các nhà thầu liên tục hạ mức giá đề xuất để tăng tính cạnh tranh hơn nữa. Theo các quan sát viên, do các sản phẩm của cả 3 nhà thầu đều tỏ ra ngang ngửa về khả năng vận hành và các nội dung giao dịch bồi hoàn dự kiến nên giá cả sẽ là nhân tố quyết định trong cuộc đua này.

Ông Kim Dae-young, một nhà nghiên cứu của Diễn đàn Quốc phòng-An ninh Hàn Quốc cho hay, F-35 có ưu thế lớn về tính năng tàng hình trong khi ưu điểm của F-15SE là khả năng mang bom và tương thích với phi đội F-15K của Quân đội Hàn Quốc hiện nay. Typhoon lại tỏ ra vô cùng mạnh mẽ với khả năng tác chiến không đối không.

Bên cạnh đó, EADS, nhà cung cấp của loại máy bay này cũng đưa ra nhiều đề nghị hấp dẫn để trợ giúp chương trình phát triển máy bay tiêm kích của Hàn Quốc. Nhìn chung, các nhà thầu tham gia đều là “kẻ tám lạng, người nửa cân”, do đó, giá cả vẫn sẽ quyết định ai là người thắng cuộc.

Việc định giá hợp đồng bao gồm đánh giá chi phí vận hành và quản lý cùng với khoản phí để mua máy bay. Riêng chi phí mua máy bay đã chiếm 30% tổng giá trị hợp đồng.

Đối với Chính phủ Mỹ và hãng Lockheed Martin, giá cả thực sự là một thách thức bởi chương trình phát triển máy bay tiêm kích tấn công liên hợp F-35 đã trải qua nhiều lần trì hoãn khiến chi phí sản xuất đã bị đẩy lên rất cao.

F-35A Joint Strike Fighter của Lockheed Martin. Nguồn: aviationnews.eu

Theo Cơ quan Hợp tác Quốc phòng-An ninh Mỹ (DSCA), 60 chiếc F-35 phiên bản cất-hạ cánh thông thường ước tính có giá khoảng 10,8 tỷ USD, cao hơn 30% so với ngân sách dành cho chương trình mua sắm này của Hàn Quốc. DSCA là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, có nhiệm vụ điều hành Chương trình Bán các sản phẩm quân sự cho các đối tác nước ngoài (FMS).

Về phần mình, Hàn Quốc tỏ ra lo lắng về khả năng giá máy bay F-35 sẽ còn dao động do ảnh hưởng của chương trình FMS.

Theo Lee Hee-woo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hỗ trợ Hậu cần Tích hợp của Đại học Quốc gia Chungnam, các máy bay F-15  Silent Eagle đòi hỏi phải được điều chỉnh và nâng cấp rất nhiều so với nền tảng hiện tại, có nghĩa là sẽ phải chi thêm một khoản nữa để tiến hành chuyển đổi từ F-15 thành một loại máy bay phản lực tàng hình mới.

Một cựu tướng lĩnh Không quân Hàn Quốc cho rằng, vấn đề lớn hơn ở đây là chỉ có một số ít quốc gia quan tâm đến chương trình phát triển F-15SE trong khi có thể chương trình này phải cần một nguồn vốn đầu tư lớn từ nhiều nước. Ông này cũng đánh giá mẫu máy bay chiến đấu “Cuồng phong” của EADS có giá bán hợp lý hơn.

Silent Eagle của Boeing. Nguồn: ainonline.com

Theo đó, Eurofighter Typhoon là mẫu tiêm kích phản lực duy nhất trong các sản phẩm đang được chào hàng đã được sản xuất và xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, đồng nghĩa với việc giá thành của nó sẽ ổn định hơn các mẫu máy bay còn lại.

Vấn đề khó khăn duy nhất còn lại là chi phí hỗ trợ hậu cần cho Eurofighter Typhoon bởi Không quân Hàn Quốc hiếm khi sử dụng các loại máy bay của các nhà sản xuất châu Âu.

Tại triển lãm Paris Air Show vừa qua, Giám đốc Điều hành Alberto Gutierrez của Eurofighter đã tuyên bố việc dự thầu chương trình KF-X của Hàn Quốc là một trong những mục tiêu hàng đầu của hãng này.

Các nội dung bồi hoàn đề xuất:

Theo DAPA, các nhà thầu tham gia đều mang đến các gói bồi hoàn mang tính cạnh tranh để tăng khả năng thành công.

Lockheed đã đề nghị trợ giúp Hàn Quốc phát triển và phóng vệ tinh liên lạc, bên cạnh đó là xây dựng LVC, một hệ thống mô phỏng chiến trường bằng ảo ảnh vô cùng hiện đại phục vụ việc huấn luyện phi công. Eric Schnaible, Giám đốc mảng Liên lạc Quốc tế của Lockheed Martin Aeronautics đã gọi đề nghị này là “một chương trình đối tác chiến lược”.

Các chương trình này về cơ bản đều sẽ giúp cải thiện vấn đề an ninh-quốc phòng cho Hàn Quốc, cho phép nước này thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp và chuyển giao công nghệ cao cho các cơ quan thuộc Chính phủ Hàn Quốc.

Boeing thì cam kết cung cấp một tổ hợp LVC cho Quân đội nước này. Hãng này đã quyết định dành hơn 1,2 tỷ USD cho việc thiết kế, phát triển và sản xuất các bộ phận của Silent Eagle cũng như gửi nhân lực sang tham gia các chương trình quốc phòng và thương mại khác.

Chưa dừng lại ở đó, Boeing sẽ xây dựng một cơ sở bảo trì, sửa chữa và đại tu máy bay tại Yeongcheon, phía Bắc tỉnh Gyeongsang của Hàn Quốc. Cơ sở này sẽ cung cấp các phụ tùng máy bay cho phi đội F-15K của Hàn Quốc.

Trong khi đó, EADS hứa sẽ đầu tư 2 tỷ USD cho chương trình KF-X, tập trung vào việc phát triển một loại máy bay tiêm kích thuộc lớp F-16 cho Hàn Quốc. Tập đoàn châu Âu này còn đề nghị giúp Hàn Quốc lắp ráp trong nước 53 trên tổng số 60 chiếc máy bay để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hàng không của nước này. Cùng với đó là đề nghị về việc chuyển giao các công nghệ máy bay tiêm kích, bao gồm cả tên lửa không đối không Meteor.

HỮU ĐÔ (theo Defense News)