QĐND Online - Mới đây việc Nga chuyển giao cho Syria tổ hợp tên lửa bờ đối hải K-300P Bastion-P trang bị tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của dòng tên lửa Onyx) đã làm một loạt quốc gia Cận Động, Israel và Mỹ quan ngại. Syria là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới được Nga chuyển giao tổ hợp tên lửa thế hệ mới này. Vậy K-300P Bastion-P có điểm gì đặc biệt làm Israel và Mỹ quan ngại khi nó ở trong tay Syria?

Tổ hợp tên lửa bờ đối hải cơ động và linh hoạt

Là sản phẩm của Tổ hợp nghiên cứu chế tạo máy và sản xuất thực nghiệm Nga (Mashinostroenia scientific and production association) và đối tác Belarus, tổ hợp K-300P Bastion-P ra mắt vào năm 1997. Bastion-P khác biệt so với các tổ hợp tên lửa bờ đối hải trước đó của Nga ở khả năng cơ động cao; hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết và kháng nhiễu tốt; trang bị đạn tên lửa có nhiều chế độ dẫn bắn và khó bị ngăn chặn; khai hỏa nhiều tên lửa cùng lúc.

Cơ cấu của một tổ hợp Bastion-P

Trang bị cơ bản của một tổ hợp Bastion-P gồm: 4 xe phóng tự hành K340P, phát triển trên cơ sở xe tải hạng nặng MZKT-7930 Astrolog, chở theo 2 đạn tên lửa Yakhont đựng trong container, 1 hoặc 2 xe chỉ huy, 1 xe sửa chữa, 4 xe chở đạn K342P TZM và các phương tiện hậu cần, hỗ trợ huấn luyện. Tuy nhiên, số lượng các xe trong cơ cấu tổ hợp có thể thay đổi theo yêu cầu của khách hàng.

Để phát hiện mục tiêu và dẫn bắn, trên phiên bản cơ sở, Bastion-P trang bị radar Monolit-B hoặc trực thăng hải quân. Tới gần đây, khả năng tấn công của Bastion-P được tăng đáng kể khi kết hợp với trực thăng Ka-31 mang radar Oko.

Cự ly tác chiến của một tổ hợp Bastion-P

Tổ hợp Bastion-P chỉ cần 5 phút để chuyển trạng thái chiến đấu và đảm bảo có 8 đạn tên lửa sẵn sàng khai hỏa, bao quát phạm vi khoảng 200 km. Ở trạng thái chiến đấu, Bastion-P có thể hoạt động liên tục trong vòng từ 3 tới 5 ngày. Khi phát hiện và khóa mục tiêu, Bastion-P sẽ khai hỏa tên lửa Yakhont theo phương thức phóng thẳng đứng nhờ liều phóng phụ theo cơ chế phóng nguội. Khi đạt độ cao cần thiết, đạn tên lửa sẽ kích hoạt động cơ phản lực dòng thẳng bay theo quỹ đạo đã được lập trình từ trước. Bastion-P chỉ cần 2,5 giây “chờ” để thực hiện loạt phóng tiếp theo.

Điểm mạnh nữa của Bastion-P là khả năng kết nối chỉ huy và độc lập tác chiến. Sự liên kết giữa 2 tổ hợp Bastion-P có thể thực hiện bằng đường dây cáp kết nối thông tin ở phạm vi 5 km. Nhờ hệ thống liên kết này, các xe chỉ huy của tổ hợp Bastion-P có thể liên kết với nhau trong phạm vi 350 km. Ngoài ra, theo nhà sản xuất, bản thân xe phóng trong tổ hợp Bastion-P cũng có thể trở thành xe chỉ huy nhờ nhận thông tin trực tiếp từ trung tâm chỉ huy chiến thuật thông qua sóng radio băng tần UHF ở phạm vi 40 km hoặc qua kết nối vệ tinh.

“Ác mộng của chiến hạm” P-800 Yakhont

 

 Được thiết kế với mục tiêu chính là tiêu diệt một hoặc một nhóm tàu nổi của đối phương có trang bị vũ khí và các biện pháp đối kháng điện tử hiện đại (gây nhiễu, tàng hình…), P-800 Yakhont (tên NATO: SS-N-26) được coi là thế hệ đạn tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh thứ 4 và hiện đại nhất của Nga. Chịu trách nhiệm phát triển dòng đạn tên lửa này là Tổ hợp thiết kế cơ khí-khoa học thực nghiệm ở thành phố Orenburg dưới sự lãnh đạo của Tổng công trình sư G. Fremov. Yakhont khác biệt so với các dòng đạn tên lửa trước đó của Nga ở kích thước nhỏ, đa chế độ dẫn bắn và có thể trang bị trên nhiều loại phương tiện chiến đấu (chiến hạm, tàu ngầm, máy bay, xe đặc chủng….), trong đó có tổ hợp Bastion-P.

Căn cứ vào hình dạng bên ngoài, đạn tên lửa Yakhont có cửa lấy khí ở mũi (tương tự như các dòng chiến đấu cơ thế hệ 1 hoặc 2 của Nga). Cung cấp động lực cho đạn tên lửa này có khả năng bay ở tốc độ siêu thanh là động cơ phản lực dòng thẳng siêu âm (Ramjet) sử dụng nhiên liệu lỏng (tốc độ tối đa đạt Mach 2,5).

Đạn tên lửa P-800 Yakhont

Trong cơ cấu tổ hợp Bastion-P, quỹ đạo bay của Yakhont được cung cấp bởi hệ thống radar dẫn bắn của tổ hợp. Sau khi phóng, ở pha đầu và giữa bay theo chế độ dẫn đường quán tính được lập trình sẵn. Ở pha cuối, đạn tên lửa sẽ tự kích hoạt radar tự thân để phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 75 km đối với các mục tiêu lớn và hạ độ cao bay bám mặt biển (5-15 m). Đây cũng là yếu tố nâng cao khả năng sống sót của nó trước các tổ hợp phòng thủ điểm trên hạm. Khi tới gần mục tiêu, radar tự thân của Yakhont tiếp tục bám mục tiêu để hiệu chỉnh đường bay. Với tốc độ siêu thanh đạt tới 800 m/giây, mục tiêu rất khó phản ứng lại kịp và có thể bị tiêu diệt bởi đầu nổ phá mảnh cực mạnh nặng 200-250 kg của đạn tên lửa Yakhont.

Điểm mạnh của đạn tên lửa Yakhont là việc lập trình đa chế độ dẫn bắn kết hợp với radar tự thân của tên lửa có khả năng kháng nhiễu và tự động chọn chế độ quét (góc quét +/- 45 độ ở bán cầu phía trước của tên lửa). Thông thường, Yakhont có 2 chế độ bắn chính là: bay quỹ đạo cao-thấp hỗn hợp và thấp-thấp. Ở phương thức dẫn bắn đầu tiên, tầm bắn của Yakhont có thể đạt 300 km, còn phương thức thứ 2 chỉ có tầm bắn đạt 120 km (bay bám mặt biển). Tuy nhiên, đây là phương thức tạo những cú đánh bất ngờ vì chiến hạm đối phương rất khó phát hiện ra đạn tên lửa Yakhont bắn tới.

Tuấn Sơn (tổng hợp)