QĐND Online – Quá trình phát triển chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc hiện đang bị nghi ngờ sử dụng một vài công nghệ thu được từ máy bay “tàng hình” F-117 Night Hawk của Mỹ. Hãng tin Associated Press dẫn nguồn tin từ một vài chuyên gia vũ khí cho biết, phía Trung Quốc có thể đã sử dụng công nghệ thu được từ chiếc chiến đấu cơ “tàng hình” F-117 Nighthawk thuộc biên chế không quân Mỹ bị bắn rơi tại Serbia năm 1999.
Được biết, khi bị bắn hạ, các mảnh vỡ của chiếc F-117 xấu số rơi rải rác trên vùng lãnh thổ rộng lớn và nhiều cư dân địa phương đã thu lượm chúng như vật kỷ niệm. Theo tuyên bố một nhân chứng đã từng tham gia vào cuộc xung đột tại Liên bang Nam Tư cũ, Đô đốc Croatia Davor Domazet-Loso với hãng tin AP, cơ quan tình báo Trung Quốc đã tiến hành thu mua các mảnh vỡ của chiến đấu cơ F-117 từ dân cư địa phương. Đặc biệt, một vài mảnh xác của chiếc máy bay tàng hình do Mỹ chế tạo nói trên có kích cỡ gần bằng một chiếc ô tô cỡ nhỏ.
 |
Chiến đấu cơ F/A-117 Night Hawk. Ảnh: richard-seaman.com
|
“Chúng tôi tin rằng, người Trung Quốc đã sử dụng các mảnh vỡ thu thập được để nghiên cứu ra công nghệ bí mật và…tái tạo lại chúng”, ông D. Loso cho biết.
Trước đây, theo thông tin từ một sĩ quan cấp cao quân đội Nam Tư giấu tên, các mảnh vỡ của chiếc chiến đấu cơ F-117 bị bắn rơi đã được chuyển tới tay nhiều cơ quan tình báo nước ngoài.
Theo lời cố vấn quân sự Nam Tư hiện đang làm việc tại Rome (Italia), các mảnh vỡ của chiếc chiến đấu cơ F-117 rơi tại nước này không chỉ thu hút sự quan tâm của Trung Quốc, mà còn cả phía Nga. Hãng tin Pháp AP từng nhận định, việc nghiên cứu các mảnh vỡ của chiếc F-117 đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển dự án PAK FA với điểm nhấn là chuyến bay thử đầu tiên của mẫu T-50.
Tuy nhiên, không quân Mỹ hiện vẫn phủ nhận khả năng liên hệ giữa việc chiến đấu cơ F-111 bị bắn rơi và quá trình phát triển chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc. Cùng với đó, phía Trung Quốc cũng không có bình luận gì về vấn đề này.
Hiện tại, một vài mảnh vỡ của chiếc F-117 bị bắn hạ đang được trưng bày tại viện bảo tàng công nghệ hàng không tại Belgrade.
Trong tháng 1-2011, mẫu thử chiến đấu cơ thế hệ mới J-20 của Trung Quốc đã tiến hành chuyến bay thử đầu tiên. Sự kiện này cũng đánh dấu việc Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới sau Nga và Mỹ thử nghiệm chiến đấu cơ thế hệ 5. Cũng cần nhấn mạnh rằng, sự kiện này của Trung Quốc đã làm giới phân tích quân sự thế giới ngạc nhiên vì theo các đánh giá trước đây với nền tảng công nghệ hiện có Trung Quốc rất khó có thể phát triển được chiến đấu cơ thế hệ 5 tương đương với Nga và Mỹ.
Là dòng chiến đấu cơ được hãng Lockheed Martin phát triển từ thời “Chiến tranh lạnh” (những năm 1970), chiến đấu cơ F-117 được chính thức tiếp nhận vào biên chế không quân Mỹ từ năm 1983. Năm 2007, dòng chiến đấu cơ được thiết kế với khả năng “tàng hình” này đã chính thức nghỉ hưu và được thay thế bằng các dòng chiến đấu cơ tiên tiến mới.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, khả năng “tàng hình” của F-117 nằm ở vẻ ngoài đầy góc cạnh và lớp sơn phủ có khả năng hấp thụ tín hiệu radar của nó. Tuy nhiên, để đạt được khả năng “tàng hình”, F-111 phải “hi sinh” nhiều về tốc độ bay (không có chế độ động cơ đốt 2 lần) và khả năng thao diễn trên không (hình dáng không tối ưu về khí động học) và không mang radar hàng không (chỉ sử dụng thiết bị quan sát ảnh nhiệt và chỉ thị laser để dẫn đường cho các loại vũ khí tấn công mặt đất chính xác).
Tuấn Sơn (theo Lenta)