QĐND Online - Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn kinh doanh Frost & Sullivan (Mỹ), Israel là quốc gia xuất khẩu phương tiện bay không người lái (UAV) lớn nhất thế giới xét trên phương diện doanh số bán ra, mang lại một nguồn thu khổng lồ tới 4,6 tỷ USD trong 8 năm qua, trong đó có một hợp đồng lớn về việc nâng cấp UAV cho Ấn Độ.
Tờ nhật báo Haaretz của Israel đã trích dẫn các số liệu mà Frost & Sullivan công bố, theo đó, các mặt hàng UAV chiếm gần 10% tổng sản lượng xuất khẩu quân sự của quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, xuất khẩu thiết bị không người lái được đánh giá lại là một thị trường kém ổn định.
Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu UAV của Israel là 150 triệu USD, con số này tăng lên 650 triệu USD trong năm 2009 và đỉnh điểm vào năm 2010 khi giá trị xuất khẩu máy bay trinh sát cỡ nhỏ của nước này đạt 979 triệu USD.
 |
UAV Eitan. Ảnh: timesofisrael.com |
Tuy nhiên, từ đó đến nay doanh số này đã liên tục giảm: năm 2011 là 627 triệu USD và năm 2012 chỉ còn 260 triệu USD.
Nhưng Frost & Sullivan cũng lưu ý rằng, con số cuối cùng này chưa tính đến một hợp đồng lớn về nâng cấp UAV cho Ấn Độ. Nếu tính cả hợp đồng này, kim ngạch xuất khẩu UAV bình quân của Israel sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu USD/năm.
Kim ngạch xuất khẩu quân sự trung bình của Israel trong 8 năm qua đạt khoảng 6,1 tỷ USD/năm.
Israel được coi là một cường quốc trong lĩnh vực máy bay không người lái, chủ yếu là nhờ các phi đội UAV vô cùng ấn tượng của mình. Phi đội này bao gồm hai loại máy bay là Eitan, với sải cánh lên đến 26m và Hermes 450 là loại UAV có thể được vũ trang để tiêu diệt mục tiêu từ trên không.
Cũng theo báo cáo của Frost & Sullivan, hơn một nửa số UAV xuất khẩu của Israel từ năm 2005 đến 2012 là hướng tới thị trường châu Âu, trong đó một lượng lớn được cung cấp cho chương trình UAV Watchkeeper của Anh. Đây là dự án chung của hãng Elbit Systems (Israel) và Thales (Pháp).
Chương trình Watchkeeper sử dụng mẫu UAV Hermes 450 của Elbit Systems. Ngoài ra, các loại UAV của Israel cũng được bán cho các quốc gia khác như Đức, Ba Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Đặc biệt, 1/3 số UAV xuất khẩu của Israel trong giai đoạn 2005-2012 có đích đến là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Azerbaijan và Ấn Độ. Doanh thu từ các nước Nam Mỹ chiếm khoảng 11% (508 triệu USD), còn riêng thị trường Mỹ là 3,9%.
Ở nhiều quốc gia, các loại UAV không chỉ phục vụ cho mục đích quân sự mà còn được sử dụng để duy trì an ninh nội địa.
Theo tính toán, tổng sản lượng xuất khẩu quân sự của Israel dự kiến sẽ tăng trong vài năm tới bởi các công ty nước này vẫn đang tiếp tục ký kết các đơn hàng mới với các khách hàng nước ngoài. Trong đó, UAV của Israel đang được tiếp thị rất tích cực tại các thị trường mà nhu cầu đang ngày càng tăng như châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương và Nam Mỹ.
HỮU ĐÔ (theo Brahmand)