QĐND Online - Căn cứ vào quy tắc viện trợ quân sự luân phiên, Bộ Quốc phòng Israel đang đề nghị Chính phủ Mỹ đứng ra hậu thuẫn để nước này có thể vay một khoản tiền nhiều tỷ USD với lãi suất ưu đãi nhằm mua gói vũ khí mà Lầu Năm Góc đã gợi ý, bao gồm trực thăng vận tải V-22 Osprey, ra-đa chiến đấu cơ F-15 và các vũ khí tấn công chính xác khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong chuyến thăm Israel vào tháng 4 vừa qua đã tuyên bố, Washington có thể giúp Israel sở hữu những khí tài quân sự mới tiên tiến, qua đó cải thiện chất lượng cho các hoạt động tác chiến của quân đội nước này.

Vào thời điểm đó, phía Israel cho rằng những tuyên bố về gói vũ khí của Lầu Năm Góc được đưa ra quá sớm, bởi quá trình đàm phán về chi phí, số lượng, thời hạn thanh toán và tiến độ giao hàng còn chưa được bắt đầu.

Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, những nỗ lực của Bộ Quốc phòng Israel đã có nhiều dấu hiệu khả quan, khi phía Mỹ đã có những câu trả lời sơ bộ sớm hơn dự kiến.

Israel đang muốn vay thêm nhiều tỷ USD của Mỹ để cải thiện sức mạnh quân sự của mình. Ảnh: foxnews.com

Trong chuyến thăm Israel vào tháng 3, Tổng thống Barack Obama đã hứa sẽ thực hiện gói viện trợ quân sự luân phiên 10 năm trước khi Hiệp định Viện trợ song phương hiện tại kết thúc vào năm 2018. Do đó, phía Israel đã đề nghị Chính phủ Mỹ đứng ra hậu thuẫn để Bộ Quốc phòng Israel có thể vay tiền từ các ngân hàng thương mại Mỹ với lãi suất ưu đãi để triển khai các hợp đồng mua sắm vũ khí tiên tiến trong tương lai gần. Israel sẽ chỉ phải trả lãi và phí dịch vụ cho các khoản vay này.

Israel dự kiến ​​sẽ nhận được 3,1 tỷ USD mỗi năm tiền viện trợ tài chính nước ngoài cho lĩnh vực quân sự (FMF) cho đến năm 2017, trừ đi khoảng 155 triệu USD tiền ủy thác sẽ được Chính phủ Mỹ giữ lại. Theo nguồn tin từ cả hai phía, các khoản tiền này sẽ dùng để thanh toán các hợp đồng hiện tại bao gồm việc xây dựng phi đội F-35I đầu tiên của Israel, trang bị xe bọc thép chở quân hạng nặng, các động cơ cho cơ máy bay huấn luyện, máy bay vận tải và nhiều loại vũ khí khác của Mỹ.

Nguồn tin phía Mỹ cho biết, về cơ bản, việc Chính phủ Mỹ đứng ra đảm bảo cho Israel vay khoản tiền đó theo những gì đã hứa hẹn mới chỉ dừng lại ở mức giả định. Hai bên mới chỉ tiến hành các cuộc thảo luận rất sơ bộ và chưa đi đến khẳng định một con số chính xác nào.

Nhiều quan chức Israel đã ước tính, một khi đề nghị trên được chấp thuận, Israel có thể vay được trên 5 tỷ USD nếu Lầu Năm góc đồng ý với kế hoạch xây dựng thêm 1 phi đội F-35I thứ hai của quốc gia đồng minh Trung Đông này.

Trong kế hoạch mua sắm này, Israel nhiều khả năng sẽ chi 1 tỷ USD để mua 8 trực thăng “Ưng biển” V-22 Osprey, 500 triệu USD để trang bị thêm các ra-đa quét điện tử pha chủ động cho máy bay tiêm kích F-15I và 1 tỷ USD nữa cho các loại vũ khí không-đối-đất. Nếu kế hoạch xây dựng phi đội F-35I thứ hai được chấp thuận thì đề nghị tài trợ này có thể sẽ được tăng thêm gần 3 tỷ USD.

Vào thời điểm này, Bộ Quốc phòng và Không quân Israel vẫn đang cân nhắc đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel về việc thêm máy bay tiếp liệu trên không vào gói vũ khí này. Trong khi đó, Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng và Văn phòng Ngân sách Quốc hội sẽ phải tính toán kỹ lưỡng về khoản vay mà Israel đề nghị để xác định chính xác các khoản phí dịch vụ mà Israel sẽ phải trả ngoài tiền lãi.

Bên cạnh Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Hội đồng An ninh Quốc gia và những người đứng đầu Quốc hội Mỹ sẽ cùng tham gia vào quá trình đánh giá này và đề nghị của phía Israel sẽ phải được Quốc hội thông qua.

Danny Ayalon, cựu Thứ trưởng Ngoại giao và cũng là cựu Đại sứ Israel tại Washington, người trước đây từng tham gia đàm phán song phương về các thỏa thuận tài trợ vay vốn cũng như bảo đảm an ninh, đã lưu ý rằng, vào năm 2003, Mỹ đã đứng ra hậu thuẫn cho Israel vay 9 tỷ USD để phát triển kinh tế và đảm bảo của Chính phủ Mỹ sẽ hết hiệu lực sau năm 2013. Đến năm 2012, phía Israel và Bộ Tài chính Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc gia hạn đảm bảo đó thêm 4 năm. Và đến nay Israel vẫn chưa sử dụng hơn 3 tỷ USD trong số đó.

3 tỷ USD còn lại này không được phép đầu tư để mua khí tài quân sự, nhưng chúng có thể được chuyển đổi thành một dạng tiền vay được Chính phủ Mỹ hậu thuẫn. Điều này là hoàn toàn có thể nếu các nhà lãnh đạo Washington muốn như thế.

Mức tăng hỗ trợ an ninh của Mỹ đối với Israel như hiện nay là chưa có tiền lệ, nó thể hiện nỗ lực của chính quyền của Tổng thống Obama trong việc xây dựng lòng tin nhằm khuyến khích Chính phủ Israel có những bước đi xa hơn, nhưng đồng thời cũng là những bước đi cần thiết để tiến tới một tiếng nói chung cho những vấn đề bất đồng Israel- Palestine. Mỹ không bị ràng buộc vào gói tài trợ trị giá nhiều tỷ USD này. Đó không phải vấn đề trao đổi viện trợ luân phiên mà là sự kỳ vọng từ phía Israel.

Thảo luận song phương về các khoản vay được Mỹ hậu thuẫn và khoản viện trợ FMF lên đến 37 tỉ đô la đến năm 2028 diễn ra vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang thúc đẩy các hoạt động ngoại giao con thoi nhằm đưa Israel và chính quyền Palestine trở lại bàn đàm phán.

Nó cũng diễn ra vào thời điểm Đảng cánh hữu Likud của ông Netanyahu đang tiến hành tái cơ cấu và bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu chia rẽ sâu sắc về hệ tư tưởng, đe dọa sự tồn tại của Chính phủ liên minh non trẻ nước này.

Cụ thể là, Thứ trưởng Quốc phòng Israel Danny Danon đã lên tiếng cáo buộc ông Netanyahu lừa dối chính quyền Mỹ để có được khoản viện trợ dưới vỏ bọc là nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông bởi ông này biết rằng Israel sẽ không tiến tới một thỏa thuận hòa bình nào với người Palestine trong tương lai gần. Tất nhiên sau đó, chính quyền Israel đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc trên và khẳng định rằng, những bình luận của ông Danny Danon không đại diện cho Bộ Quốc phòng hay Chính phủ nước này.

HỮU ĐÔ (theo Defense News)