QĐND - Jakarta Post dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng In-đô-nê-xi-a P. Y-út-gi-an-tô-rô (Purnomo Yusgiantoro) cho biết, sau khi tiến hành bay thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) tự chế tạo vào khoảng trung tuần tháng 10 vừa qua, In-đô-nê-xi-a sẽ tiến hành chế tạo một phi đội UAV để trang bị cho Không quân In-đô-nê-xi-a. Việc phát triển máy bay không người lái trang bị cho Không quân chính là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội của quốc gia vạn đảo này.

Không ngừng mua sắm vũ khí hiện đại

Trong những năm gần đây, quân đội In-đô-nê-xi-a liên tục tăng ngân sách hiện đại hóa lực lượng vũ trang, trong đó chú trọng vào lực lượng Không quân và Hải quân. Theo Tân Hoa xã, ngân sách quốc phòng của In-đô-nê-xi-a đã tăng từ 21.700 tỷ ru-pi-a (tương đương 2, 296 tỷ USD) vào năm 2004 lên 72.540 tỷ ru-pi-a (tương đương 7, 649 tỷ USD) vào năm 2012. 

Loại máy bay tấn công hạng nhẹ A-29 Super Tucano do hãng Embraer của Bra-xin chế tạo mà In-đô-nê-xi-a đặt hàng. Ảnh: AFP

 

Trang tin Airforce-Technology cho biết, ngày 1-9, Không quân In-đô-nê-xi-a đã tiếp nhận 4 máy bay tấn công hạng nhẹ A-29 Super Tucano do hãng Embraer của Bra-xin chế tạo. Đây là đợt giao hàng đầu tiên trong tổng số 8 chiếc máy bay loại này với tổng trị giá 286 triệu USD mà Bộ Quốc phòng In-đô-nê-xi-a đặt mua của Bra-xin. Máy bay A-29 Super Tucano có khả năng thực hiện nhiều chức năng khác nhau như tấn công, giám sát, đánh chặn, không chiến hay chống bạo loạn, đồng thời phục vụ công tác đào tạo phi công.

Bên cạnh đó, In-đô-nê-xi-a cũng liên tiếp có các hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng Su-27/Su-30 của Nga. In-đô-nê-xi-a cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Hàn Quốc phát triển chiến đấu cơ KFX thế hệ thứ 5. Công ty hàng không vũ trụ nước này PT Dirgantara Indonesia còn ký thỏa thuận hợp tác với hãng chế tạo máy bay châu Âu Eurocopter để thực hiện hợp đồng tới năm 2014, cung cấp 6 trực thăng chiến đấu, tìm kiếm và cứu hộ EC725 cho Không quân In-đô-nê-xi-a.

Đối với lực lượng Hải quân, theo hãng tin Armstrade, In-đô-nê-xi-a hiện đang sở hữu 2 tàu ngầm thông thường lớp Chakra (Type-209/1300) đều đóng từ những năm 1970. Vì vậy, để tăng cường sức mạnh của lực lượng này trên biển, In-đô-nê-xi-a liên tiếp mua mới nhiều tàu hiện đại.

Theo Tân Hoa xã, ngày 7-8, Bộ trưởng Y-út-gi-an-tô-rô thông báo đã ký hợp đồng đóng 3 tàu ngầm mới với một xưởng đóng tàu Hàn Quốc và theo dự kiến sẽ tiếp nhận trong năm 2015. Trước đó, vào tháng 8-2010, Bộ Quốc phòng In-đô-nê-xi-a cũng đã ký hợp đồng với nhà máy đóng tàu hải quân Damen Schelde của Hà Lan mua khu trục hạm Sigma 10514. Chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được hoàn thiện và chuyển giao cho In-đô-nê-xi-a vào năm 2014.

Ngoài ra, ngày 27-7, truyền thông In-đô-nê-xi-a còn cho biết, Gia-các-ta đã hoàn tất hợp đồng mua tổng cộng 100 xe tăng Con Báo (Leopard-MBT) của Đức, trị giá 280 triệu USD. Bộ Quốc phòng In-đô-nê-xi-a trong tháng 3 vừa qua cũng đã ký các hợp đồng đặt hàng mua sắm vũ khí với các nhà sản xuất trong nước, trị giá tới 1.300 tỷ ru-pi-a (tương đương 178 triệu USD), trong đó có 31 xe bọc thép APC Anoa dành cho bộ binh cơ giới.

Chiến lược kép “mua đi đôi với chuyển giao công nghệ”

Việc một quốc gia nào đó không ngừng hiện đại hóa quân đội hiện nay vốn vẫn luôn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. In-đô-nê-xi-a cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, có một điểm trong các hợp đồng mua sắm vũ khí hiện đại của In-đô-nê-xi-a khiến cả giới lãnh đạo quân sự và dân sự đặc biệt quan tâm, đó là điều kiện chuyển giao công nghệ trong các hợp đồng này. Tận dụng thế mạnh là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa lý thuận lợi cho thông thương buôn bán, các cường quốc trên thế giới đều muốn đặt ảnh hưởng của mình lên xứ sở vạn đảo nên In-đô-nê-xi-a đã khéo léo cụ thể hóa thế mạnh của mình trong các hợp đồng mua sắm quốc phòng. 

“Chuyển giao công nghệ là yêu cầu chính của chúng tôi trong mọi hợp đồng mua sắm khí tài quân sự nước ngoài”, hãng thông tấn Antara dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng In-đô-nê-xi-a, Tướng H. A-xrin(Hartind Asrin). 

Tờ Jakarta Globe nhận định đây là động thái giúp In-đô-nê-xi-a thực sự tăng cường được sức mạnh quốc phòng khi giảm thiểu được sự phụ thuộc vào nguồn cung và công nghệ nước ngoài, đồng thời mở ra cơ hội tăng cường phát triển các ngành chế tạo trong nước, nhất là ngành công nghiệp quốc phòng để tận dụng điều kiện thuận lợi khi nền kinh tế đất nước trên đà tăng trưởng liên tục với nhịp độ cao. 

Điển hình cho chiến lược kép “mua đi đôi với chuyển giao công nghệ” là hợp đồng mua 3 tàu ngầm mới kể trên của Hàn Quốc. Theo đó, một tàu sẽ được chế tạo hoàn toàn tại Hàn Quốc, một tàu sẽ do các kỹ sư của In-đô-nê-xi-a và Hàn Quốc hợp tác chế tạo trong khi tàu còn lại sẽ được chế tạo tại In-đô-nê-xi-a. Ngoài ra, In-đô-nê-xi-a đã thỏa thuận với Hàn Quốc để cùng chế tạo máy bay chiến đấu tương đương với máy bay F-16 của Mỹ và tàu ngầm 1.400 tấn. Chuyến thăm Bắc Kinh tháng 2 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Y-út-gi-an-tô-rô cũng đã giúp In-đô-nê-xi-a có thể tiến tới tự trang bị tên lửa chống hạm C705, có tầm bắn 140km với công nghệ chuyển giao của Trung Quốc. 

Đối với Mỹ, vốn luôn khắt khe trong việc chuyển giao công nghệ, In-đô-nê-xi-a thực hiện biện pháp mua vũ khí từ Trung Quốc hoặc Nga nếu Mỹ không đồng ý bán vũ khí. Điều đó đồng nghĩa Oa-sinh-tơn sẽ mất chỗ đứng ở xứ vạn đảo. Trong bối cảnh Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương, rõ ràng Oa-sinh-tơn cần sự ủng hộ của In-đô-nê-xi-a. Vì vậy, đích thân Tổng thống Ô-ba-ma (Barrack Obama) đã phải công khai ủng hộ việc bán F-16 cho In-đô-nê-xi-a. Không những thế, Oa-sinh-tơn còn đồng ý bán tên lửa không đối đất AGM-65 Marevick cho Gia-các-ta. Ngày 20-9, Mỹ tiếp tục đồng ý bán 8 chiếc trực thăng tấn công hiện đại AH-64 Apache cho quốc gia Đông Nam Á này. 

Hiện đại hóa quân đội “không vì chạy đua vũ trang”

Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập quân đội (5-10-1945/5-10-2012), Tổng thống In-đô-nê-xi-a Y-u-hô-y-ô-nô (Susilo Bambang Yudhoyono) tuyên bố, chương trình hiện đại hóa vũ khí của quốc gia vạn đảo không nhằm mục đích chạy đua vũ trang trong khu vực

“Đây là một phần trong những nỗ lực để xây dựng một lực lượng tối thiểu cần thiết… Chúng tôi không có ý định nào tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang cũng như không xâm lược nước nào khác. Tôi luôn luôn tuyên bố chính sách đối ngoại của chúng tôi bao giờ cũng là thêm bạn bớt thù”, hãng thông tấn Antara trích dẫn lời ông Y-u-hô-y-ô-nô. Tổng thống Y-u-hô-y-ô-nô cũng khẳng định, việc hiện đại hóa vũ khí trang bị cho quân đội là nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ In-đô-nê-xi-a.

Tờ Jakarta Globe dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại In-đô-nê-xi-a Lưu Kiến Siêu cho rằng, sức mạnh quân sự đầy đủ là cần thiết để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn của In-đô-nê-xi-a và điều này cũng sẽ làm cho khu vực ổn định hơn.

Trong khi đó, theo cây bút nổi tiếng Mốt-xơ (Trefor Moss) của tuần báo quân sự Jane’s Defence, việc In-đô-nê-xi-a tăng cường mua sắm vũ khí sẽ không gây bất ổn trong khu vực. Trong bài viết đăng trên tờ Diplomat, ông Mốt-xơ cho rằng, In-đô-nê-xi-a vẫn đóng vai trò là nước lớn nhất trong khu vực nên sự lớn mạnh của In-đô-nê-xi-a sẽ là một sự phát triển tự nhiên không gây ra chạy đua trong khu vực. “Nếu In-đô-nê-xi-a vẫn giữ vị trí trung tâm của ASEAN thì sức mạnh quân sự của nước này sẽ không gây ra sự bất ổn định trong khu vực”, ông Mốt-xơ viết. Cũng theo cây bút này, bằng việc duy trì quan hệ thân thiện với Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh, Gia-các-ta nhiều khả năng sẽ trở thành "chiếc neo" cho sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lâm Mạnh Toàn