QĐND Online - Mới đây, mẫu thử tổ hợp máy bay không người lái (UCAS-D - Unmanned Combat Air System ─ Demonstrator) X-47B đã thực hiện thành công lần cất cánh đầu tiên từ tàu sân bay. Trước đó 2 tháng, UCAS-D này cũng đã thử thành công khả năng hoạt động và hạ cánh trên hạm như các đơn vị máy bay chiến đấu có người lái trên boong. Mặc dù X-47B hiện mới chỉ là mẫu thực nghiệm công nghệ và khó có thể được chấp nhận vào biên chế hải quân Mỹ, nhưng từ những gì UCAS-D thể hiện, hải quân Mỹ có thể sẽ tự tin đưa ra các yêu cầu mới, cao hơn đối với gói thầu UAV tấn công hải quân và phát triển chúng thành một phần của hạm đội trong tương lai gần.
Thực tế, hải quân Mỹ đã bắt tay vào phát triển các dạng UAV tấn công từ giữa những năm 2000. Tham gia vào quá trình này ban đầu là hãng Boeing với mẫu thử X-45 (năm 2002) và Northrop Grumman với X-47A Pegasus (năm 2007). Sau quá trình đánh giá, Northrop Grumman đã được chọn và mẫu thực nghiệm công nghệ được đổi tên là X-47B UCAS-D. Mục đích chính của hải quân Mỹ đối với X-47B là đánh giá khả năng chế tạo UAV hoạt động phối hợp với máy bay hải quân và thích nghi với điều kiện hoạt động trên tàu sân bay.
 |
X-47B UCAS-D
|
Từ đó tới nay X-47B liên tục thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ sẽ sử dụng UAV tấn công mới của hải quân Mỹ từ năm 2018. Từ những thông tin được hải quân Mỹ công khai trong gói thầu tìm mua UAV mới công bố tháng 3-2010, UAV mới phải đảm bảo bay liên tục 11-14 giờ, mang được nhiều loại cảm biến, vũ khí khác nhau và có cần tiếp liệu trên không. Ngoài ra, UAV mới cũng phải được áp dụng sâu công nghệ tàng hình. Tuy nhiên, các thông tin cụ thể về thông số kỹ thuật và trang bị của UAV mới không được tiết lộ.
Từ những yêu cầu trang bị trên, UAV tấn công mới của hải quân Mỹ sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ tình báo, trinh sát và tấn công “phẫu thuật” vào các vị trí hiểm yếu của đối phương. Để đảm bảo thực hiện dải nhiệm vụ rộng, UAV có thiết kế dạng module thuận tiện cho việc trang bị, thay đổi và nâng cấp trang bị theo nhiệm vụ. Hải quân Mỹ dự kiến sẽ công bố kết quả đấu thầu UAV mới từ nay tới năm 2016
Tuy nhiên, một yêu cầu quan trọng khác là khả năng cất, hạ cánh trên tàu sân bay và quy trình điều khiển, trao đổi thông tin giữa UAV và trung tâm chỉ huy. Vấn đề này đang được kiểm soát và hoàn thiện qua nguyên mẫu X-47B.
Hiện rất khó xác định thông tin UAV mới của hải quân Mỹ vì nó vẫn đang là sự cạnh tranh giữa các nhà thầu Boeing, General Atomics, Lockheed Martin and Northrop Grumman. Tuy nhiên, từ nguyên mẫu X-47B có thể nhìn ra phần nào UAV tấn công tương lai của hải quân Mỹ. Cụ thể, X-47B sử dụng kết cấu khí động cánh bay để áp dụng sâu công nghệ tàng hình, nhưng thiết kế này cũng yêu cầu phải có hệ thống điều khiển thông minh (fly by wide). X-47B sử dụng động cơ phản lực Pratt & Whitney F100-220U không có chế độ đốt tăng lực cung cấp lực đẩy 79.1 kN; cánh rộng 18,93m, dài 11,63m và cao 3,1m. Với thông số này, khi hoạt động trên tàu sân bay, X-47B gần tương đương với chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet. Tốc độ bay đạt 1.035km/giờ, tầm hoạt động 4.000km.
 |
 |
X-47B trong chuyến bay thử đầu tiên trên tàu sân bay.
|
Giống như các máy bay hải quân, X-47B trang bị cánh có thể gấp lại được, kết cấu thân được gia cố tương thích để hoạt động với máy phóng trên boong và nhiều trang bị phù hợp khác giúp UAV hoạt động trên tàu sân bay. Khác biệt của X-47B là việc nó có 2 khoang kín trong thân, mang được 2 tấn vũ khí.
Tính tới thời điểm hiện tại, hải quân Mỹ đã chi ra 1,4 tỷ USD cho dự án X-47B UCAS-D. Với nhiều thay đổi về công nghệ, chuyến bay đầu tiên trên hạm của mẫu thử này đã chậm 2 năm so với kế hoạch (dự kiến ban đầu là vào ngày 4-2-2011).
Để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên trên tàu sân bay, ngay từ tháng 11-2012, Northrop Grumman cùng các chuyên gia hải quân Mỹ đã hoàn thiện hệ thống điều khiển UAV hải quân mang tên CDU (Control Display Unit) cho phép kiểm soát lực đẩy động cơ và cần lái của X-47B khi nó hoạt động trên boong. CDU sau đó được lắp đặt thử nghiệm trên tàu sân bay Harry S. Truman. Tiếp đó, tới cuối tháng 11-2012, X-47B đã hoàn tất quy trình cất cánh thử nghiệm nhờ máy bay phóng trên bộ và công tác chuẩn bị hoàn tất vào cuối tháng 12 cùng năm.
Sau chuyến bay đầu tiên trên tàu sân bay của X-47B thực hiện trên tàu sân bay George Bush vào ngày 14-5 tại vùng biển bang Virginia, giám đốc chương trình UCAV, Karl Johnson, đã coi dấu mốc này là sự kiện quan trọng thứ 2 trong lịch sử hải quân Mỹ, sau chuyến bay thử có người lái đầu tiên từ tàu sân bay tổ chức năm 1915. Trong chuyến bay dài 65 phút, các chuyên gia đã kiểm tra hoạt động của nhiều hệ thống trên X-47B và cuối cùng cho nó hạ cánh xuống căn cứ không quân Patuxent River, bang Maryland (cách địa điểm cất cánh 278 km).
Trong vài tháng tới, X-47B sẽ tiếp tục thực hiện các bài bay thử nghiệm từ tàu sân bay đang di chuyển và tiếp tục hoàn thiện các công nghệ hiện có cho tới khi hoạt động hoàn toàn độc lập trên tàu sân bay. Theo lời ông Theo Don Blottenbergera, phó giám đốc thứ nhất dự án UCAS, quá trình thử nghiệm X-47B sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013 và trong năm 2014, hải quân Mỹ sẽ phân tích các dự liệu từ dự án để đưa ra yêu cầu đối với UAV tấn công tương lai. Sau khi hoàn tất quy trình kiểm tra, các mẫu thử X-47B sẽ được chuyển cho Bảo tàng Hàng không Mỹ.
Chuẩn bị cho việc công bố kết quả đấu thầu tìm UAV mới, trong năm 2014, hải quân Mỹ sẽ ký các hợp đồng phát triển nguyên mẫu UAV tấn công mới theo các yêu cầu đặt ra với 4 nhà thầu. Theo đó, Northrop Grumman dự kiến giới thiệu mẫu UAV mới dựa trên nguyên mẫu X-47B, Boeing là UAV phát triển từ Phantom Ray, Lockheed Martin ─ Sea Ghost, а General Atomics ─ Sea Avenger (biến thể hải quân của các UACV Reaper). Hiện mới chỉ có X-47B và Phantom Ray là đã bay thử nghiệm.
Trong 30 năm tới, quân đội Mỹ dự kiến sẽ nâng số lượng UAV có trong trang bị lên gấp 4 lần, tương đương 26.000 đơn vị. Quá trình này sẽ được thực hiện không chỉ thông qua việc phát triển, chế tạo mới, mà còn hoán cải các máy bay có người lái sang phiên bản không người lái. Cùng với phát triển của công nghệ, UAV đang dần dần đáp ứng được yêu cầu trong nhiệm vụ chiến đấu như: Nhỏ gọn, chi phí thấp, không rủi ro về nhân mạng. Điều này cũng mở ra một viễn cảnh xa xôi về các hạm đội tàu sân bay với những phi đội UAV chiến đấu hoạt động trên boong.
TUẤN SƠN (tổng hợp)