Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa công bố “khái niệm chiến lược mới” thay thế cho học thuyết quân sự lỗi thời đã ban hành cách đây 10 năm. Học thuyết mới có tên là "Khuyến nghị đối với tầm nhìn chiến lược đến năm 2020" do một nhóm chuyên gia gồm 12 thành viên, đứng đầu là cựu Ngoại trưởng Mỹ M. Ôn-brai (M. Albright) soạn thảo. Trong đó khẳng định NATO phải tiếp tục gánh vác nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các nước thành viên-hiện đã trải dài từ Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ-đúng tôn chỉ mục đích khi được thành lập năm 1949. Song, vế quan trọng hơn trong học thuyết mới là mở rộng phạm vi can thiệp ra ngoài biên giới NATO hiện nay và siết chặt quan hệ với các nước từng là đối thủ.

Nhóm soạn thảo học thuyết khẳng định trong một thập kỷ tới, NATO sẽ phải tập trung vào các sứ mạng quân sự nội khối. Đó là tăng cường tiềm lực ngăn chặn, đối phó và bảo vệ các nước trước các nguy cơ, bảo đảm  độc lập chính trị và sự toàn vẹn lãnh thổ của các thành viên. Sứ mạng này không mới bởi đó chính là mục tiêu ban đầu của NATO khi mới thành lập. Tuy nhiên, “Khái niệm chiến lược mới” cho rằng, NATO cần tăng cường sự hiện diện quân sự tại các khu vực bên ngoài vành đai của mình-cụ thể là mở rộng sự can thiệp tới các nước không phải là thành viên. Bảo vệ cho mệnh đề này, các chuyên gia khẳng định trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, sẽ không có một quốc gia nào hoàn toàn tồn tại độc lập, và sự can thiệp của NATO là cần thiết để bảo đảm an ninh cho các nước thành viên của mình trước các cuộc tấn công tiềm tàng cũng như bảo vệ các quyền lợi của khối.

Thêm vào đó, văn kiện trên cũng đề ra mục tiêu toàn cầu mới của NATO-đó là định hình lại một môi trường an ninh quốc tế hòa bình và ổn định hơn thông qua đào tạo quân nhân và cảnh sát, điều phối các hoạt động trợ giúp quân sự tại các nước bất ổn, như NATO đang triển khai tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, các chuyên gia kêu gọi NATO cần mạnh dạn chi tiêu cho hoạt động quân sự tầm xa của mình. Các chuyên gia còn ủng hộ việc duy trì vũ khí hạt nhân của Mỹ tại châu Âu được triển khai từ thời Chiến tranh Lạnh, hợp tác với các tổ chức tư nhân trong các nỗ lực nhân đạo và thiên tai, xích lại gần hơn với Nga và Trung Quốc, phát triển năng lực viễn thông, tiếp tục chính sách mở cửa kết nạp thêm thành viên mới.

Đánh giá về “Khái niệm chiến lược mới”, Tổng thư ký NATO A. Ra-xmút-xen (A. Rasmussen) khẳng định, khối quân sự này không có ý định trở thành “sen đầm của thế giới”, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ sứ mạng nào của NATO cũng phải dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Tuy nhiên, chiến lược mới lần đầu tiên cho phép NATO mở bất kỳ cuộc tấn công quân sự tại bất cứ nơi đâu trên thế giới vì mục đích chống khủng bố và coi Áp-ga-ni-xtan là một chiến trường cần phải chiến thắng. Điều đó làm người ta quan ngại là NATO có thể sử dụng chiêu bài chống khủng bố vào học thuyết chính trị và quân sự toàn cầu đầy tham vọng của mình. Và như vậy, mục tiêu chiến lược trong 10 năm tới của NATO là nhằm bảo đảm vai trò thống lĩnh thế giới của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này.

Việt Anh