QĐND Online - Chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ ngày 27-5 cho biết vừa tiến hành thử thành công tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn trên hạm (CIWS) -  RAM (Rolling Airframe Missile) Block 2 tại bãi thử trên Thái Bình Dương.

Trong vụ thử nghiệm nói trên, tổ hợp RAM Block 2 được thử chức năng phòng thủ tầm cực gần trên hạm dưới sự chỉ huy của hệ thống điều phối chiến đấu hải quân NSWC (Naval Surface Warfare Center) và đánh chặn thành công mục tiêu trang bị động cơ phản lực giả lập tên lửa hành trình diệt hạm của đối phương.

RAM (Rolling Airframe Missile) R-116

Theo lời đại diện hải quân Mỹ, phiên bản RAM Block 2 được cải tiến khả năng lọc nhiễu điện tử và tính toán chuyển động của mục tiêu. Điều này cho phép RAM Block 2 đánh chặn được các mục tiêu bay ở độ cao thấp (bám biển) và khả năng tùy biến cao hơn nhiều so với phiên bản  Block 0 và Block 1A đang có trong trang bị. Trong thời gian sắp tới, hải quân Mỹ dự kiến sẽ mua 2.093 đạn tên lửa trang bị cho tổ hợp CIWS loại này.

RAM được biết tới là sản phẩm hợp tác giữa hãng Raytheon (Mỹ) và RAMSYS GmbH  (Đức) với mục đích tạo ra tổ hợp tên lửa phòng không siêu thanh, trọng lượng nhẹ và có khả năng phản ứng cao để đối phó với các dòng tên lửa diệt hạm hiện tại và tương lai.

Tuy thông số của phiên bản RAM Block 2 chưa được công bố, nhưng thông tin về RAM phiên bản tiêu chuẩn đã được công khai từ lâu. RAM Block 1 trang bị 21 đạn tên lửa thân xoay có tầm bắn 9km. Với đạn tên lửa có tốc độ gấp 2 lần tốc độ âm thanh (Mach 2) và đa chế độ dẫn, RAM có thể phản ứng nhanh đối với các mục tiêu đối phương tiếp cận ở mọi độ cao, điều kiện thời tiết. Trong biên chế hải quân Mỹ, Ai Cập, Đức, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE, RAM được sử dụng thay thế tổ hơp CIWS Phalant.

TUẤN SƠN (theo Arms-Tass)