QĐND Online - Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, các cựu quan chức Bộ Quốc phòng Nga đã phải lên tiếng đề nghị các xưởng đóng tàu phải giảm giá các hợp đồng sản xuất tàu ngầm hạt nhân. Tình trạng đột ngột tăng giá các hợp đồng quân sự cũng chính là lý do khiến kế hoạch trang bị quốc phòng năm 2011 của Nga gần như đã phải phá sản.
Ông Serdyukov giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga từ năm 2007 nhưng đã bị sa thải vào tháng 11-2012 trong bối cảnh một loạt các vụ bê bối tham nhũng bị phát hiện, làm rung chuyển lĩnh vực quốc phòng nước này. Sau đó, ông Sergei Shoigu đã được giao đảm nhận vị trí này thay ông Serdyukov.
 |
Tàu ngầm Yury Dolgoruky. Ảnh: navaltoday.com |
Các quan chức Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố rằng mức giá mà các xưởng đóng tàu đưa ra cho các hợp đồng là quá cao, dẫn đến tranh cãi trong một thời gian dài về vấn đề giá cả. Năm 2011, phải đến gần thời điểm cuối năm (tháng 11) các hợp đồng mới được ký kết sau khi có sự hiện diện của ông Vladimir Putin trên cương vị Thủ tướng Nga khi đó.
Tàu ngầm Yury Dolgoruky có giá gốc là hơn 20 tỷ rúp (khoảng 70 triệu USD) nhưng sau đó nó đã tăng lên tới 50 tỷ rúp (175 triệu USD).
Ông Rogozin cho biết, việc sản xuất các tàu ngầm mới vẫn được đảm bảo theo đúng tiến độ nhưng do dự trù kinh phí đối với các hợp đồng quá thấp nên sẽ phải xin bổ sung thêm kinh phí. Hiện Bộ Quốc phòng Nga vẫn đang họp bàn để đưa ra cách giải quyết vấn đề này.
Cuối tháng 5-2013, Phó Thủ tướng Rogozin cho hay, các hợp đồng được ký dưới thời Bộ trưởng Serdyukov đã được kiểm tra kỹ lưỡng và nếu cần thiết, có thể sẽ phải tiến hành kiểm toán. Các hợp đồng này gây nên những bất lợi lớn và Nga sẵn sàng tiến hành giải quyết cuộc khủng hoảng của ngành đóng tàu hải quân Nga bởi nó có nguy cơ khiến chương trình trang bị quốc phòng đi chệch hướng.
Sau khi ông Rogozin đưa ra những bình luận trên, cùng ngày hôm đó, tờ nhật báo Kommersant đã tiết lộ việc Liên hiệp đóng tàu (USC) đang chờ đợi được cấp thêm kinh phí để tiếp tục hoàn thành hợp đồng tàu ngầm hạt nhân Nerpa cho Hải quân Ấn Độ do thiếu hụt 500 triệu rúp (15,9 triệu USD).
Theo ông Rogozin, Hội đồng Quản trị tiền nhiệm của USC phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đồng ý, ký duyệt những văn bản không khả thi và ký kết các hợp đồng với mức giá rõ ràng là thấp hơn mức chung của thị trường.
Tổng thống V. Putin đã được báo cáo về vấn đề này, việc bổ sung kinh phí cho chương trình mua sắm vũ khí sẽ được đưa ra thảo luận vào cuối tháng 7. Ông Putin đã yêu cầu Ban Giám đốc USC nộp một báo cáo về các biện pháp nhằm cải thiện tình trạng ngành công nghiệp đóng tàu vào ngày 15-10 tới đây.
Những hoài nghi về khả năng bàn giao các tàu chiến đúng thời hạn và không vượt quá ngân sách đã khiến dư luận nhớ lại việc Nguyên Bộ trưởng Serdyukov đặt mua tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp vào năm 2011. Hợp đồng này sau đó đã bị ông Rogozin và các quan chức cấp cao khác của ngành công nghiệp quốc phòng chỉ trích gay gắt.
Theo các thông tin mà Bộ Quốc phòng Nga công bố, Hải quân nước này dự kiến sẽ nhận được 24 tàu ngầm và 54 tàu chiến mặt nước thuộc nhiều lớp khác nhau vào năm 2020.
Năm ngoái, Tổng thống Nga Putin đã công bố kế hoạch trang bị tàu chiến và tàu ngầm mới cho Hải quân Nga sẽ được ưu tiên trong vòng một thập kỷ tới. Chính phủ Nga đã phân bổ 5.000 tỷ rúp (166 tỷ USD) tương đương với 1/4 tổng ngân sách trang bị quốc phòng đến năm 2020 cho mục tiêu này.
HỮU ĐÔ (theo RIAN)