QĐND Online - Sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra một quyết định gây tranh cãi về việc nới lỏng kiểm soát hoạt động xuất khẩu vũ khí, các công ty Đức đã đạt được nhiều hợp đồng bán vũ khí, khí tài quân sự cho các quốc gia Trung Đông.
Đồng thời, Sueddeutsche Zeitung, tờ nhật báo lớn nhất của Đức có trụ sở tại Munich, đã công bố kỷ lục về doanh số bán hàng mà các nhà sản xuất vũ khí nước này đạt được vào năm 2012, tính từ những năm 1990 đến nay.
 |
Dòng xe Fuchs 1A8 6x6 bánh hơi |
Theo đó, riêng trong năm 2012, doanh số các loại vũ khí hạng nhẹ (súng máy, súng trường tự động và súng ngắn) cùng linh kiện được phép xuất khẩu đạt 98,5 triệu USD, gần gấp đôi so với năm 2011. Trong đó, hơn một nửa doanh số thu được nhờ xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, Bắc Phi và 8,41 triệu USD từ Ả-rập Xê-út.
Mặc dù chính sách của Thủ tướng Merkel là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu quân sự nhằm bù lại những tác động của việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng nhưng Berlin vẫn duy trì quy định không bán vũ khí cho các quốc gia sử dụng bạo lực để chống lại người dân của chính các nước đó, hay can thiện quân sự vào các nước khác hoặc cung cấp vũ khí cho các “thế lực phản động hiếu chiến”.
Bộ Kinh tế Đức đã không đồng ý công bố các chi tiết về vấn đề xuất khẩu vũ khí nhưng để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Berlin đã tiết lộ rằng trong giai đoạn 2004-2012, các công ty Đức đã bàn giao các linh kiện của mẫu xe bọc thép chở quân (APC) Fahd cho Ai Cập để nước này tiến hành sản xuất trong nước theo giấy phép đã được cấp.
 |
Xe tăng tiên tiến Leopard 2A7+ |
APC Fahd được phát triển dựa trên mẫu xe TH-390 do Thyssen-Henschel, một nhà thầu quốc phòng Đức thiết kế (công ty này sau đó đã được tập đoàn khổng lồ Rheinmetall có trụ sở tại Dusseldorf mua lại vào năm 2000).
Gói linh kiện này bao gồm động cơ diesel Daimler, khung gầm và các bộ phận khác với tổng giá trị 170 triệu USD. Giá trị các lô hàng bàn giao cho phía Ai Cập riêng trong năm 2011 lên đến 71 triệu USD, cũng chính là năm Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tuyên bố từ chức.
Chính phủ Đức còn vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ hơn sau khi tờ tạp chí tin tức Der Spiegel của nước này công bố các con số thống kê, cho biết đã có khoảng 1.300 chiếc xe quân sự được sản xuất tại Ai Cập theo giấy phép do phía Đức cấp, và một số lượng chưa xác định được xuất sang các nước “còn chìm trong nội chiến” như Sudan và Congo.
Đức đã mở rộng hoạt động kinh doanh vũ khí sang khu vực Trung Đông với một hợp đồng cung cấp loại xe tăng tiên tiến Leopard 2A7+ và 24 tổ hợp pháo tự hành PzH 2000 cỡ nòng 155 mm cho Qatar với tổng trị giá lên đến 2,5 tỉ USD, do các hãng Krauss-Maffei Wegmann và Rheinmetall sản xuất.
Ngoài ra, Berlin cũng đang đàm phán để ký hợp đồng 270 chiếc Leopard cho Ả-rập Xê-út, đồng thời bán các tàu chiến và tàu ngầm cho Ai Cập.
Những năm qua, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), một cường quốc quân sự tại khu vực Vịnh Ba Tư, đã chi ra 1,57 tỉ USD để mua các tổ hợp vũ khí của Đức.
Trong khi đó, Algeria hiện đang là một trong những "đối tác chiến lược" của chính quyền bà Merkel. Tập đoàn Rheinmetall đã xây dựng một nhà máy tại quốc gia Bắc Phi này để sản xuất 1.200 chiếc xe bọc thép Fuchs. Theo phân tích của tạp chí Der Spiegel thì Algeria muốn trang bị loại vũ khí này do lo ngại về các lực lượng phiến quân Hồi giáo đang hoành hành tại Mali.
HỮU ĐÔ (theo Army Recognition)