QĐND Online - Trong 10 khu vực trên thế giới, chi phí quốc phòng của các quốc gia Đông Âu tài khóa 2011 đứng vị trí thứ 7 với tổng mức đầu tư đạt 20,224 tỷ USD, chiếm 1,23% tổng chi phí quân sự toàn cầu. Do khủng hoảng kinh tế từ năm 2008, các quốc gia Đông Âu đã phải mạnh tay cắt giảm ngân sách quốc phòng nội địa liên tiếp 3 năm sau đó (tới năm 2011).
Theo tính toán, trong 8 năm (2004-2011), tổng chi phí quốc phòng của các quốc gia Đông Âu đã giảm khoảng 1% GDP từng nước (mức thấp nhất được ghi nhận ở năm 2008). Mặc dù, năm 2009-2011, tình hình có được cải thiện, nhưng không bù đáp lại xu hướng chung của cả giai đoạn (năm 2011 được ghi nhận là năm có mức chi phí quốc phòng thấp kỷ lục của cả khu vực Đông Âu).
 |
Ảnh minh họa/ Internet.
|
Căn cứ vào các nguồn tin được công bố, tỉ lệ ngân sách quốc phòng/GDP của các quốc gia Đông Âu giai đoạn 2004-2011 là: 2004 - 1,78%, năm 2005 - 1,76%, năm 2006 - 1,70%, trong 2007 - 1,64% , 2008 - 1,48%, năm 2009 - 1,57%, năm 2010 - 1,51% và năm 2011 - 1,43%. Nếu được tính toàn cụ thể, mức GDP của các quốc gia Đông Âu quy ra đồng USD tương đương: 2004 là 736 tỷ USD, năm 2005 - 854 tỷ USD, năm 2006 - 963 tỷ USD, năm 2007 - 1.213 tỷ USD, năm 2008 - 1.478 tỷ USD, năm 2009 - 1.249 tỷ USD, năm 2010 - 1.283 tỷ USD và năm 2011 là 1.413 tỷ USD. Nếu tính cả mức trượt giá đồng tiền, mức chi tiêu quốc phòng của khu vực Đông Âu năm 2011 chỉ tương đương với năm 2008.
Đối với mỗi quốc gia trong khu vực, tỉ lệ ngân sách quốc phòng trên GDP tương đương khoảng 1%, riêng Bulgaria đặt mức trung bình 2,03%. Cụ thể, Albania (1,48%), Bosnia (1,46%), Hungary (1,24%), Macxedonia (1,98%), Ba Lan (1,76%) , Romania (1,59%), Serbia (1,93%), Slovakia (1,5%), Slovenia (1,5%), Croatia (1,54%), Montenegro (1,49%) và CH Czech (1,49).
Dự kiến, thông tin cụ thể về chi tiêu quốc phòng của khu vực Đông Âu giai đoạn 2004-2011 sẽ được Trung tâm Nghiên cứu thị trường vũ khí thế giới (CAWAT) công bố vào cuối năm 2012.
Hiện tại, căn cứ vào tổng ngân sách quốc phòng toàn cầu, thế giới được chia làm 10 khu vực, gồm: Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribbean, châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông, Tây Âu, Đông Âu, các nước thuộc Liên Xô cũ, Bắc và Đông Bắc châu Phi, các quốc gia thuộc tiểu vùng cận Sahara. Để có dữ liệu so sánh, CAWAT còn căn cứ vào số liệu GDP của các quốc gia trên thế giới do Quỹ tiền tệ quốc tế, JSCRA (Jane's Sentinel Country Risk Assessment), khối NATO, Liên hợp quốc và thông tin được Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính các nước công bố.
Tuấn Sơn (theo Armstrade)