QĐND Online - Hãng chế tạo hàng không Mỹ Lockheed Martin đã đạt được thỏa thuận với IraqOman chuyển giao chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon (Đại bàng chiến) vào đầu năm 2012. Theo hãng tin Reuters, tính tới năm 2020, Lockheed Martin tổng cộng sẽ nhận được các đơn hàng đặt mua tới 100 chiến đấu cơ loại này.

Lockheed Martin đang giảm quy mô sản xuất chiến đấu cơ đa nhiệm F-16 để chuẩn bị cho sự “ra mắt” của chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 Lightning II. Tính tới thời điểm hiện tại, Lockheed Martin đã sản xuất khoảng 4.475 chiến đấu cơ F-16 và dòng máy bay này nằm trong biên chế quân đội 25 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, Lockheed Martin còn đang sở hữu đơn hàng đặt mua thêm 65 chiến đấu cơ F-16 trong tương lai gần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Lockheed Martin phải tiếp tục duy trình quy mô sản xuất 1-2 máy bay F-16/tháng trong vòng vài năm tới.

Chiến đấu cơ F-16. Ảnh: members.xoom.it

Sau khi bị loại khỏi gói thầu MMCRA tại Ấn Độ, Lockheed Martin đang thực hiện hợp đồng chuyển giao 24 chiến đấu cơ F-16 cho không quân Marocco. Theo kế hoạch, các chiến đấu cơ đầu tiên thuộc đơn hàng này sẽ được chuyển giao cho phía Marocco từ tháng 8-2011.

Năm 2010, Cơ quan phụ trách hợp tác quốc phòng và an ninh (DSCA) thuộc Lầu Năm góc đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ kế hoạch bán cho Iraq và Oman 18 chiến đấu cơ F-16C/D Block-50/52 theo khuôn khổ chương trình Bán vũ khí cho nước ngoài.

Tháng 2-2011, chính phủ Iraq đã yêu cầu chuyển đơn hàng đặt mua các máy bay F-16 nêu trên sang năm 2012 vì không tìm đủ nguồn tài chính cần thiết. Quyết định cuối cùng của Oman về vấn đề này vẫn chưa được công bố.

Theo lãnh đạo phụ trách bán hàng của hãng Lockheed Martin Bill MacHenry, trong thời gian tới, hãng này sẽ có thêm một loạt đơn hàng đặt mua máy bay F-16 mới, trong đó bao gồm cả hợp đồng nâng cấp dòng máy bay này đang nằm trong biên chế không quân Mỹ và các quốc gia khác với mục đích kéo dài thời gian phục vụ của chúng lên khoảng 10.000-12.000 giờ bay.

Dự kiến, Lockheed Martin sẽ tiến hành thử nghiệm phiên bản nâng cấp F-16 Block-52 mới để giới thiệu cho quân đội Mỹ và các quốc gia khác. Đây được coi là bước đệm khi chương trình phát triển F-35 bị chậm nhiều so với kế hoạch.

Tuấn Sơn (theo Armstrade)