Quân đội Pa-ki-xtan hôm 25-4 thông báo đã thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Shaheen-1A. Vụ thử được thực hiện chưa đầy một tuần sau khi Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-V...
QĐND - Quân đội Pa-ki-xtan hôm 25-4 thông báo đã thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Shaheen-1A. Vụ thử được thực hiện chưa đầy một tuần sau khi Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-V. Mặc dù không tuyên bố, nhưng qua những động thái phát triển vũ khí của mình, giới quan sát cho rằng, hai quốc gia láng giềng không mấy hữu nghị ở Nam Á đã và đang có cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Shaheen-1A là phiên bản cải tiến của tên lửa Shaheen-1, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và các loại đầu đạn thông thường. Pa-ki-xtan không tiết lộ tầm bắn của Shaheen-1A, nhưng theo một nguồn thạo tin, tên lửa này có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách từ 2.500 - 3000km. Thông báo của quân đội Pa-ki-xtan cũng cho biết, Shaheen-1A đã bắn trúng mục tiêu trên biển, song không tiết lộ địa điểm tiến hành vụ thử.
Trong số 8 quốc gia được cho là có vũ khí hạt nhân thì có Ấn Độ và Pa-ki-xtan. Năm 1998, sau khi Ấn Độ tuyên bố thử hạt nhân, Pa-ki-xtan cũng tiến hành một vụ thử hạt nhân mặc dù từ năm 1987, I-xla-ma-bát tuyên bố sở hữu bom nguyên tử. Các nguồn tin tình báo cho biết, hiện Ấn Độ có hơn 100 đơn vị vũ khí hạt nhân và Pa-ki-xtan có vài chục đơn vị vũ khí hạt nhân. Quyết định tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Pa-ki-xtan - phần lớn nhằm để răn đe Ấn Độ. Mỗi lần nước này thử tên lửa tầm xa hơn, mạnh hơn, thì nước kia cũng tuyên bố thử tên lửa tương đương...
Hiện đại hóa quân đội nhằm đối phó với những trường hợp xung đột khẩn cấp không phải là chuyện lạ ở các quốc gia, nhưng đằng sau câu chuyện này lại chứa nhiều ẩn số. Các vụ thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Ấn Độ và Pa-ki-xtan đang đặt ra những câu hỏi lớn. Liệu đằng sau các vụ thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cần phải có sự “bảo trợ” của các nước lớn, trong đó đặc biệt là Mỹ.
Các vụ thử tên lửa được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên đã khiến cộng đồng lo ngại. Thậm chí, HĐBA LHQ đã phải ra nghị quyết trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sau các vụ thử này. Tuy nhiên, Ấn Độ và Pa-ki-xtan lại cứ “thi nhau” tiến hành hàng loạt các vụ thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhưng không hề bị lên án hay bị nhận bất cứ một lệnh trừng phạt nào. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sở dĩ có sự “ưu ái hơn” như vậy là do mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đã được cải thiện. Ấn Độ đang dần trở thành một đồng minh và đối tác lớn của Mỹ tại khu vực Nam Á. Trong khi đó Pa-ki-xtan lại là đồng minh thân cận của Mỹ ở Nam Á.
Việt Anh