QĐND - UAV (Unmanned Aerial Vehicle - Phương tiện bay không người lái) đã mở ra một kỷ nguyên mới của kỹ thuật quân sự. Có hiệu quả tấn công cao, nhanh và khó bị phát hiện, các UAV trở thành một trong những phương tiện chiến tranh được “săn đuổi”. Nhu cầu về UAV càng “nóng” hơn khi một số nước đang đầu tư nhiều tiền vào các hệ thống mới giúp họ tăng cường khả năng phòng không, trinh sát, đột kích mà không gây nguy hiểm đến tính mạng binh sĩ.

Một chiếc UAV Predator của Mỹ. Ảnh: Defense News

 

Từ  sách lược chiến tranh mới của Mỹ

Cuối tuần qua, tờ Thư tín hằng ngày dẫn thông báo từ không quân Mỹ cho hay, vừa thất bại trong lần thử nghiệm chiếc X-51A có thiết kế đạt tốc độ Mach 6 (tương đương khoảng 5.800 km/giờ). Tuy nhiên, thất bại trên không hề là dấu chấm hết đối với tham vọng phát triển loại UAV X-51A của Oa-sinh-tơn. Theo tờ Bưu điện Quốc gia của Ca-na-đa, dự án X-51A mở ra cho Lầu Năm Góc thêm một phương tiện tấn công cực nhanh và có tính chính xác cao.

Giới chuyên gia cho hay nếu thành công, chiếc máy bay không người lái này sẽ ghi dấu ấn với tốc độ thượng thừa, cho phép di chuyển từ thành phố Niu Y-oóc (Mỹ) sang Luân Đôn (Anh) trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ. Trong khi đó, chiếc máy bay thương mại siêu thanh Concorde phải mất 2 giờ 52 phút, Boeing 747 mất gần 8 giờ cho cùng khoảng cách trên. Điều này giải quyết những hạn chế về thời gian khi tấn công bằng tên lửa từ tàu chiến hay máy bay chiến đấu. Oa-sinh-tơn có thể triệt hạ các mục tiêu, điển hình như những nhân vật nằm trong danh sách "tìm diệt", ngay khi nhận được thông tin tình báo, tránh tình trạng chậm trễ khiến mục tiêu thay đổi vị trí. Vì thế, chương trình X-51A tiêu tốn hàng trăm triệu USD này vẫn hứa hẹn nhiều điều cho Mỹ, đặc biệt đối với Chương trình tấn công toàn cầu tức thời (PGS) trong 60 phút mà Oa-sinh-tơn đang theo đuổi.

Mỹ hiện có khoảng 7.500 máy bay không người lái, với đủ loại kích cỡ và khả năng thực hiện nhiệm vụ. Chúng chiếm khoảng 1/3 số lượng máy bay hiện đang biên chế trong lực lượng không quân Mỹ. Con số này đã tăng rất nhiều so với mức 1/20 vào năm 2005. Sự phổ cập của UAV trong biên chế quân đội Mỹ đã tạo ra một sách lược chiến tranh mới dưới thời  Tổng thống  B. Ô-ba-ma (B. Obama).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ L. Pa-nét-ta (L. Panetta) hồi đầu năm thông báo, chính phủ của Tổng thống Ô-ba-ma sẽ mở rộng mạng lưới máy bay do thám không người lái có khả năng mang vũ khí rộng khắp toàn cầu. Theo kế hoạch mới của Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới để sẵn sàng triển khai các hoạt động chống lại quốc gia khác bằng một “cuộc chiến điều khiển từ xa”. 

Tới “cuộc đua” trên không trung

Thị trường UAV thế giới sẽ tiếp tục phát triển trong thập kỷ tới khi nhiều nước sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để sở hữu hệ thống này. Theo đánh giá sơ bộ, trong vòng 10 năm tới thế giới sẽ chi khoảng 81,3 tỷ USD để mua các máy bay UAV, các dịch vụ, nghiên cứu và phát triển.

Cho đến nay, chỉ có Mỹ, I-xra-en và Anh được biết đến là những nước đã sử dụng UAV để tấn công mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự Mỹ cho rằng, trên thế giới hiện có đến hơn 50 nước đã phát triển hoặc mua máy bay không người lái và nhiều quốc gia trong số đó đang nghiên cứu phiên bản quân sự. Trong đó, I-xra-en và Trung Quốc đang khẩn trương phát triển và tiếp thị các loại UAV của họ. Ngoài ra còn Nga, I-ran, Ấn Độ, Pa-ki-xtan và một số nước khác cũng không chịu thua kém. “Đây là xu hướng chung. Tất cả các nước sẽ tiến tới sử dụng công nghệ này vì sớm muộn nó sẽ đảm nhận tất cả chức năng của máy bay có người lái hiện nay”, tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn dẫn lời chuyên gia K. An-đơ-xơn (K. Anderson) nhận định. 

Tờ Chosun Ilbo dẫn lời giới quan sát đánh giá trong các nước đang nghiên cứu UAV thì Trung Quốc phát triển nhanh nhất. Tại Triển lãm hàng không quốc tế ở Chu Hải cách đây 6 năm, Trung Quốc lần đầu khoe mẫu UAV nội địa của nước này. Gần đây, Trung Quốc đã xây dựng Viện Nghiên cứu UAV với quyết tâm dốc sức lực và tiền bạc vào lĩnh vực này. Tháng 11-2010, trong 25 mô hình UAV tiên tiến được trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải, trong đó có nhiều loại là UAV tấn công, có khả năng phóng tên lửa vào cả những mục tiêu trên mặt nước.

Việc Trung Quốc đạt được thành công trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển UAV đã khiến không ít quốc gia hối hả bắt nhịp với guồng đua. Ví dụ, như Ấn Độ vào đầu năm 2011 đã công bố tăng cường nghiên cứu một loại UAV nội địa có khả năng tấn công bằng tên lửa và ném bom, trần bay hơn 9000m. Quân đội Hàn Quốc cũng quyết không đứng ngoài khi vừa tuyên bố tới trước năm 2014 sẽ trang bị 39 chiếc KUS-9. Loại này được cho là có trần bay 4000m, có thể đứng yên trên không trong 6 tiếng đồng hồ để thu thập và truyền tin tức tình báo trong phạm vi 60km. Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông báo sắp sản xuất UAV nội địa có trọng lượng chưa đầy 70kg, với khả năng bay 20 giờ liên tục.

Sau một thập niên “đấm đá” tại chiến trường I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, Lầu Năm Góc hiện sở hữu bộ sưu tập UAV “khủng”. UAV Mỹ có đủ kích cỡ, từ loại nhỏ như chiếc Raven chỉ to bằng máy bay mô hình đồ chơi lắp ráp đến Predator và Reaper  dài từ 8-11m. Ngoài ra, còn có RQ-170  với khả năng “tàng hình” và được trang bị thiết bị có thể “phóng” vi-rút để phá hủy và làm tê liệt bộ não điều khiển của hệ thống điện tử đối phương.  Ít người biết rằng, Không quân Mỹ hiện đào tạo lính tác chiến điều khiển UAV nhiều hơn cả phi công chiến đấu truyền thống…

Hiểm họa tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh

Tuy nhiên, việc UAV ngày càng trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi hơn đã làm tăng mối nguy cơ tiềm ẩn về xung đột vũ trang giữa các quốc gia, và nguy cơ thương vong lớn cho thường dân trước các cuộc tấn công của UAV.

Việc sử dụng các UAV đã loại bỏ được nguy cơ thương vong cho phi công khiến các quốc gia sở hữu nó trở nên liều lĩnh hơn. Họ có thể thực hiện các cuộc xâm nhập không phận mà các máy bay có người lái không thể làm được. Đặc biệt là các khu vực biên giới nơi mà các UAV có thể "lượn" vài vòng mà các hệ thống ra-đa cảnh giới khó lòng phát hiện.

Tần suất sử dụng các UAV cho mục đích tấn công ngày một gia tăng, theo một báo cáo của trang tin Defence News, từ năm 2004-2007, Mỹ sử dụng 9 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Pa-ki-xtan. Năm 2008, các cuộc tấn công bằng UAV tăng lên con số 33, năm 2009 là 53 và năm 2010 là 118. Con số tử vong cho dân thường từ các cuộc tấn công này ước tính từ 600 đến 1000 người. Các cuộc tấn công bằng UAV hầu như không đánh giá hết được các thiệt hại có thể gây ra cho thường dân.  H. Kri-ao-xki (Kreowsky), giáo sư khoa học máy tính tại đại học Bremen khẳng định: “Đạo đức không thể xác định được bằng các thuật toán, điều đó có nghĩa là bạn không thể xây dựng nó. Cho dù các nhà lập trình có cố gắng để trang bị thêm các quy tắc giao chiến trong bộ nhớ của các rô-bốt hay UAV, nó vẫn là những "chiến binh máu lạnh" ngoài chiến trường, bất kỳ thứ gì trong tầm ngắm đều dễ dàng biến thành mục tiêu”.

NGỌC HÀ