QĐND Online - Mới đây, Bloomberg News vừa đăng tải nhiều thông tin từ bản báo cáo mật dài 36 trang của hải quân Mỹ. Từ báo cáo trên, nhiều thông tin bất ngờ đã được hé lộ về một trong những chương trình phát triển vũ khí tương lai đầy tham vọng của hải quân Mỹ là Chương trình Chiến hạm tác chiến ven bờ (LCS).
Theo đó, giới chức hải quân Mỹ hiện vẫn hoài nghi rằng, chương trình Chiến hạm tác chiến ven bờ - Littoral Combat Ship (LCS) sẽ không đáp ứng được yêu cầu của lực lượng này trước các hình thái chiến tranh tương lai dù được đầu tư tới 37 tỷ USD. Báo cáo trên cũng nêu rõ, chương trình LCS quá tốn kém và gặp nhiều vấn đề kỹ thuật không thể khắc phục trong ngắn hạn. Thậm chí, lãnh đạo hải quân Mỹ còn khẳng định, các LCS đã được đóng mới không đạt yêu cầu đề ra và để thay đổi thiết kế sẽ cần thêm nguồn tài chính đáng kể. Với cách nhìn này, chương trình LCS vẫn chưa thể coi là thành công và quá trình phát triển, đóng mới lớp tàu này sẽ còn nhiều vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết.
 |
USS Independence thuộc thiết kế số chẵn của LCS.
|
Đầu tiên, không chỉ hải quân Mỹ, mà các nhà lập pháp Mỹ đang đặt ra câu hỏi: Tại sao giá thành của mỗi tàu LCS lại cao như vậy? Thiết kế ban đầu của lớp tàu này là dòng chiến hạm có lượng choán nước nhỏ với tiềm năng vũ trang tốt và chi phí thấp. Tuy nhiên, tính tới thời điểm tiếp nhận 2 LCS đầu tiên là USS Freedom và USS Independent thì giá thành của mỗi tàu LCS đã lên tới 220 triệu USD. Tính tới thời điểm hiện tại, mức giá trên đã tăng lên gấp đôi. Trong hợp đồng đặt mua thêm 20 LCS mới đây, giá thành của mỗi chiến hạm, không tính tới chi phí phát triển dự án, ước khoảng 440-450 triệu USD. Với mức giá này, thật không mấy dễ chịu khi tính tới hợp đồng mua đủ 52 LCS theo đúng kế hoạch ban đầu.
Dự báo về mức giá “trên trời” của LCS đã được Tổ chức Giảm sát chính phủ - POGO (Project On Government Oversight) công bố từ năm 2011. Tổ chức này đã đưa ra báo cáo về mức bội chi của chương trình LCS. POGO lúc đó chủ yếu chỉ trích LCS về việc cùng lúc phát triển hai dạng tàu có đặc điểm kỹ thuật gần như giống hệt nhau cho cùng một mục đích sử dụng. Tuy nhiên, dường như báo cáo của POGO đã bị Lầu Năm góc bỏ qua khi LCS tiếp tục được thực hiện mà không có những thay đổi đáng kể cho tới tận năm 2012.
 |
USS Fort Worth thuộc thiết kế LCS số lẻ có thiết kế đơn thân.
|
Vấn đề thứ 2 liên quan tới LCS được đưa ra là sự không tương ứng giữa đặc điểm thiết kế với nhiệm vụ lớp chiến hạm này đảm nhận. Thiết kế của LCS phù hợp để thực hiện dải nhiệm vụ rộng, có thiết kế module để có thể dễ dàng thay thế tùy biến theo nhiệm vụ. Yêu cầu của quá trình thay thế các module trên LCS phải được thực hiện trong khoảng 96 giờ. Tuy nhiên, mức thời gian trên chỉ đạt được khi việc thay thế thực hiện trong xưởng với các điều kiện tối ưu về nhân lực, trang bị…, còn ở điều kiện dã chiến, thời gian thay thế phải là vài ngày, thậm chí là cả tuần.
Tiếp đó, kể cả khi đã được tiếp nhận vào trang bị, khả năng chiến đấu của LCS vẫn bị nghi ngờ. Nhiều chuyên gia nhận định cả hai phiên bản của LCS đều dễ tổn thương và thiếu khả năng tự bảo vệ. Do bị cắt giảm ngân sách, Lầu Năm góc đã buộc phải thay đổi, cắt giảm một số thiết kế về vũ khí lắp đặt trên LCS. Vì điều này, LCS hiện chỉ có khả năng tiêu diệt các chiến hạm vũ trang nhẹ hoặc xuồng cao tốc. Chỉ cần đối phương có chiến hạm mang tên lửa diệt hạm có tầm bắn từ 5 hải lý trở lên, LCS có thể bị hạ, kể cả phiên bản mang hải pháo, lẫn phiên bản mang tên lửa phòng không. Để đảm bảo khả năng tác chiến, LCS cần được vũ trang mạnh hơn nữa, nhưng nếu thực hiện điều này sẽ tạo sức ép rất lớn về mốc thời gian chuyển giao chiến hạm và chi phí duy trì chúng cũng tăng cao đáng kể.
 |
Phiên bản xuất khẩu của LCS được giới thiệu tại Euronaval 2012.
|
Theo báo cáo của hải quân Mỹ công bố tháng 3-2012, LCS đã không đủ khả năng hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu đặt ra. Bất chấp điều đó, hơn một năm qua, việc các LCS tiếp tục được đóng mới đã làm giới chức Mỹ nghi ngờ: Có cần thiết tiếp tục duy trì và đóng mới lớp chiến hạm này hay không. Mới đây, Thượng nghị sĩ John McCain còn đưa sự chậm trễ của chương trình LCS ra trước Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Mỹ.
LCS thứ 4 - USS Coronado, sẽ được chuyển giao cho hải quân Mỹ trong tháng 7 tới. Tuy nhiên, theo đúng kế hoạch, nó đã phải được chuyển giao 13 tháng trước đó. Tiến độ chuyển giao các LCS thứ 5, 6, 7 và 8 được cải thiện đôi chút với khoảng thời gian giãn cách khoảng 6-8 tháng. Dự kiến, tới năm 2028, số lượng LCS sẽ chiếm 1/3 tổng số chiến hạm của hải quân Mỹ, nhưng với tiến độ đóng hiện tại, điều đó chỉ có thể là…hy vọng.
 |
USS Freedom với màu sơn ngụy trang mới.
|
Mặc dù hiện trạng của chương trình LCS không được như kỳ vọng ban đầu, nhưng nó đã được hải quân Mỹ chọn là lực lượng tác chiến ven bờ trong vài thập kỷ tới. Những thiếu sót trong thiết kế và trang bị của LCS sẽ dần được khắc phục, nhưng chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian và phát sinh nhiều chi phí bổ sung. Quyết định trên được giải thích rất đơn giản, việc duy trì và hoàn thiện một dự án đã có sẵn chắc chắn sẽ dễ dàng hơn việc bắt tay làm lại từ đầu trong bối cảnh Lầu Năm góc đang chịu sức ép từ Quốc hội Mỹ cắt giảm 500 tỷ USD trong 5 năm tới.
Các tàu thiết kế USS Freedom thuộc serie tàu LCS số lẻ có kết cấu một thân bằng thép, dài 115m và có lượng giãn nước 3.000 tấn.
USS Freedom có khả năng chạy với tốc độ đến 47 hải lý/giờ (87km/giờ) và cự ly hành trình 3.500 hải lý (6.500km). Vũ khí của tàu gồm các khẩu pháo cỡ 57 và 30mm, các súng máy 12,7mm, tên lửa các loại.
Thuộc serie tàu LCS số chẵn là các tàu thiết kế USS Independence (LCS-2), do phân hãng tại Mỹ của hãng công ty Austal (Australia) thiết kế. Khác với Freedom, tàu Independence sử dụng kết cấu ba thân vỏ nhôm, dài 127,4m và có lượng giãn nước 2.780 tấn.
|
TUẤN SƠN