QĐND - Duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng là những gì mà Lầu Năm Góc mong chờ ở ông chủ mới của Nhà Trắng, nhưng điều đó đã không xảy ra với sự tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma (Obama). Trong nhiệm kỳ 2 của mình, Tổng thống tái đắc cử Mỹ được cho là sẽ tiếp tục ưu tiên vào việc cắt giảm ngân sách quốc phòng để ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia.
Tinh gọn quân đội, đầu tư vũ khí công nghệ cao
Việc duy trì một lực lượng quân đội lớn dàn trải trên khắp thế giới đã tạo nên nhiều áp lực về ngân sách cho chính quyền ông Ô-ba-ma. Chiến lược của ông Ô-ba-ma trong nhiệm kỳ mới là thu nhỏ quy mô Quân đội Mỹ.
Hồi đầu năm, Bộ trưởng
 |
Máy bay tuần tra biển Boeing P-8A Poseidon dự kiến sẽ chính thức phục vụ trong quân đội Mỹ vào năm 2013. Ảnh: Boeing.com
|
Quốc phòng Mỹ L. Pa-nét-ta (L. Panetta) thông báo ngân sách dành cho quân đội Mỹ sẽ giảm 487 tỷ USD trong 10 năm tới. Để có thể giảm chi tiêu quân sự, trong 5 năm tới Lầu Năm Góc sẽ điều chỉnh để quân số bộ binh giảm từ 570.000 xuống 490.000, còn số quân nhân trong lực lượng thủy quân lục chiến sẽ giảm 20.000 để đạt mức 182.000. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch rút 10.000 quân khỏi châu Âu.
Dù tinh giản biên chế nhưng mục tiêu mà ông chủ Nhà Trắng hướng tới vẫn là tăng sức mạnh cho quân đội Mỹ. Chính vì thế, chủ trương của ông Ô-ba-ma là cắt giảm quy mô các phương tiện chiến tranh truyền thống như các loại tàu chiến lớn, một số bộ phận phòng thủ tên lửa không cần thiết. Thay vào đó là tập trung phát triển các phương tiện chiến tranh công nghệ cao, dành nhiều ngân sách hơn cho các loại phương tiện bay không người lái (UAV), các máy bay tàng hình, các loại tiêm kích có đủ khả năng đột phá mạng lưới phòng không hiện đại của đối phương.
Từ khi ông Ô-ba-ma bước vào Nhà Trắng, tần suất sử dụng các UAV tại Y-ê-men, Áp-ga-ni-xtan tăng đột biến. Những UAV tấn công như MQ-9 Reaper, MQ-1 Predator được cho rằng hoàn toàn có thể đảm đương nhiệm vụ tiêu diệt các phần tử khủng bố tại những khu vực xa xôi hẻo lánh, tránh được sự thiệt hại về tính mạng cho binh lính. Với nhiệm kỳ thứ 2 của mình, ông Ô-ba-ma sẽ tiếp tục theo đuổi việc sử dụng các phương tiện chiến tranh không người lái ở một mức độ cao hơn.
Với Hải quân Mỹ, chương trình phát triển máy bay tấn công không người lái X-47B sẽ cho phép họ duy trì sức mạnh mà không cần sự hiển diện của quá nhiều tàu chiến. Với Không quân Mỹ, chương trình phát triển UAV do thám RQ-170 Sentinel sẽ tăng cường khả năng giám sát đường không ở một mức độ cao hơn.
Giảm nhưng vẫn khổng lồ
Hiện Lầu Năm Góc đang tiến hành cắt giảm 478 tỷ USD trong khoản chi dự kiến cho cả thập kỷ tới. Nhưng vấn đề lớn hơn là khả năng phải cắt giảm thêm 500 tỷ USD nữa trong số chi phí dự kiến cho 10 năm tới. Những khoản cắt giảm đó mang tính bắt buộc theo Luật Kiểm soát ngân sách năm 2011 như là một cách để Mỹ giảm thâm hụt ngân sách. Các khoản ngân sách này theo kế hoạch sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 1-2013. Dù vậy, theo hãng tin Ria Novosti, trên thực tế, bản chất ưu tiên cho ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn là con số khổng lồ.
Chuyên gia nghiên cứu cấp cao M. Cra-mơ (M. Kramer) tại Dự án các ưu tiên quốc gia, thuộc tổ chức nghiên cứu phi chính phủ của Mỹ, nói: “Nước Mỹ chiếm 43% tổng số chi tiêu quân sự toàn cầu. Không một quốc gia nào có thể tiến gần được tới con số này”. Bà Cra-mơ nói thêm rằng: “Trong chi tiêu quốc phòng, nước Mỹ chi tiền lớn hơn tổng số chi tiêu của 10 quốc gia xếp thứ tự sau đó. Thậm chí theo kế hoạch của ông Ô-ba-ma, một kế hoạch kêu gọi cắt giảm chi tiêu quân sự lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua, thì Mỹ vẫn thống trị vũ đài quốc phòng thế giới trong một thời gian dài”.
Theo Ria Novosti, nếu đảng Dân chủ và Cộng hòa không đạt được một kế hoạch tốt hơn trước khi kết thúc năm 2012 này, việc cắt giảm ngân sách sẽ bắt đầu có hiệu lực trong tháng 1-2013, và sẽ lập tức cắt giảm chi tiêu của Lầu Năm Góc 55 tỷ USD. Nhưng dù cho ngân sách quốc phòng bị giảm đi 55 tỷ USD, Mỹ vẫn là nước bỏ xa hai nước theo sau là Trung Quốc và Nga. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốc-hôm, Mỹ đã chi 711 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2011. Kế hoạch dự chi cho ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2013 là 525 tỷ USD.
“Dành tiền” cho châu Á-Thái Bình Dương
Theo mạng tin quân sự Defensenews.com, bất chấp việc Quốc hội cắt giảm chi phí quốc phòng mạnh theo Luật Kiểm soát ngân sách năm 2011, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn dành ưu tiên chi phí quốc phòng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương với các kế hoạch mua thêm vũ khí và các hệ thống trang thiết bị quân sự tiên tiến để sẵn sàng chiến đấu ở khu vực này trong thập kỷ tới.
Phát biểu hồi đầu tháng 10 tại Trung tâm Woodrow Wilson, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ca-tơ (Carter) nói: “Với việc kết thúc cuộc chiến I-rắc và đang chuyển giao trách nhiệm cho chính phủ Áp-ga-ni-xtan, chúng ta (Mỹ) được giải phóng nhiều khả năng quốc phòng trước đây bị kẹt cho những nhiệm vụ khác, như thúc đẩy hòa bình và tăng cường đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương”.
Thứ trưởng Ca-tơ nói thêm rằng lực lượng không quân Mỹ sẽ chuyển giao các hệ thống điều khiển máy bay không người lái, máy bay ném bom và lực lượng vũ trụ sang khu vực Thái Bình Dương. Lực lượng không quân cũng đang đầu tư vào phát triển loại máy bay tiếp nhiên liệu trên không, Boeing KC-46. Đồng thời, lục và hải quân sẽ được tăng cường “cho các nhiệm vụ mới ở các khu vực khác”. Hải quân sẽ lắp thêm các nòng phóng tên lửa lớn cho các tàu ngầm lớp Virginia để cho các tàu ngầm này có thể chuyên chở các tên lửa hành trình, các loại vũ khí khác và các loại tàu ngầm cỡ nhỏ. Hải quân sẽ tiếp tục chương trình mua những chiếc máy bay lên thẳng Sikorsky MH-60, máy bay tuần tra biển Boeing P-8A và máy bay viễn thám không người lái khu vực biển rộng.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có kế hoạch đầu tư vào việc tăng cường khả năng mạng, vũ trụ và điện tử. Các binh chủng không quân, hải quân và các binh đoàn lính thủy đánh bộ đều có kế hoạch mua thêm các máy bay tiêm kích đa năng F-35 trong các năm tới.
Đánh giá về chính sách quốc phòng nhiệm kỳ vừa rồi của Tổng thống tái đắc cử Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng đó là một chính sách khá thận trọng. Tác giá Xu-lây-man Oa-li (Suleiman Wali) trong bài viết đăng trên Ria Novosti hồi đầu tháng 11 cho rằng, việc tập trung vào phát triển quân đội thông minh đã giúp ông Ô-ba-ma giải quyết bài toán ngân sách trong khi vẫn duy trì được sức mạnh chiến đấu của Quân đội Mỹ. Trong khi đó, chính sách quốc phòng ôn hòa đã tránh cho nước Mỹ những tổn thất không cần thiết trong những cuộc chiến vô bổ.
NGỌC HÀ