QĐND - Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa công bố chiến lược sản xuất quốc phòng mới, trong đó đề cập tới việc mua sắm vũ khí, trang bị mới cho quân đội nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. An-tô-ni (A.K. Antony) cho biết, mục đích chính của chiến lược sản xuất quốc phòng mới được soạn thảo từ tháng 12-2010 nhằm giảm sự phụ thuộc của quân đội Ấn Độ vào việc nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự của nước ngoài. “Chúng tôi sẽ bảo vệ và củng cố 8 công ty sản xuất vũ khí trong nước, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào việc cung cấp trang thiết bị cho quân đội”, ông An-tô-ni cho các phóng viên ở Niu Đê-li biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng, chiến lược mới sẽ tạo “sân chơi bình đẳng" trong đấu thầu cho các hợp đồng quốc phòng.

Triển lãm Quốc phòng 2010 giới thiệu mô hình các loại vũ khí mới của Ấn Độ.  Ảnh: newshopper.sulekha.com

Ấn Độ, nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ 10 trên thế giới, với 32 tỷ USD trong năm 2010. Tuy nhiên, Ấn Độ lại là nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu trang thiết bị quốc phòng từ nước ngoài (chiếm 70% ngân sách mua sắm trang thiết bị quốc phòng). Theo Bộ trưởng Quốc phòng An-tô-ni, dự kiến, Ấn Độ sẽ chi 220 tỷ USD từ nay đến năm 2017 cho ngân sách quốc phòng như một phần của "kế hoạch hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng" của nước này. Hiện nay, Ấn Độ đang có kế hoạch chi 11 tỷ USD để mua máy bay phản lực. Kế hoạch này đã tạo ra một cuộc “chạy đua” giữa các tập đoàn sản xuất vũ khí lớn trên thế giới như Tập đoàn Boeing và Lockheed Martin Corp của Mỹ, Tập đoàn Dassault Aviation SA của Pháp, United Aircraft Corp của Nga, Saab AB của Thụy Điển… Chỉ trong năm qua, Ấn Độ đã đón một loạt các nhà lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron), Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama), Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) hay Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép (Dmitri Medvedev)… trong chuyến thăm chính thức Niu Đê-li, trong đó trọng tâm là “vận động hành lang” để giành hợp đồng bán máy bay phản lực cho Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhiều khả năng các tổ hợp quốc phòng Ấn Độ sẽ có cơ hội nhận được đơn đặt hàng mua máy bay phản lực của Bộ Quốc phòng nước này, bởi lẽ, chiến lược sản xuất quốc phòng mới sẽ ưu tiên các đơn đặt hàng trong nước. Điều này có nghĩa là nếu tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ có khả năng nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm quân sự nào đó đáp ứng được yêu cầu và thời gian của bên đặt hàng thì sẽ ưu tiên cho tổ hợp này đảm trách. Ngoài ra, quá trình mua vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự sẽ diễn ra theo kiểu đấu thầu và Hội đồng Chuyên gia Bộ Quốc phòng sẽ ấn định thời hạn sản xuất dựa trên thời hạn sản xuất một sản phẩm quân sự của các công ty, tập đoàn nước ngoài. Ví dụ, để sản xuất một chiếc tàu chiến ở nước ngoài phải mất hai năm thì sản xuất một chiếc tàu chiến tương tự ở trong nước cũng phải bảo đảm đúng thời gian này. Nếu các tổ hợp quốc phòng trong nước không bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn thì sẽ nhập ngoại.

Linh Oanh