QĐND - Quân đội Mỹ mới đây đã đưa thêm một vệ tinh liên lạc đa dụng băng thông rộng lên quỹ đạo. Vụ phóng này được coi là một bước tiến nữa trong chiến lược mở rộng hoạt động hệ thống liên lạc viễn thông quân sự của Oa-sinh-tơn tới phạm vi toàn cầu.

Sức mạnh của WGS 5

Theo Roi-tơ, vệ tinh nói trên đã được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa không có người điều khiển Delta 4 từ bãi phóng Cape Canaveral ở bang Phlo-ri-đa hôm 24-5. Thiết bị trị giá 342 triệu USD gắn trên Delta 4 này là vệ tinh thứ năm trong Wideband Global SATCOM (WGS), chòm vệ tinh băng thông rộng toàn cầu của Quân đội Mỹ. Mạng lưới vệ tinh này sẽ cung cấp cho quân đội Mỹ, các nhà lãnh đạo quốc gia cùng các đồng minh những liên lạc băng thông rộng công suất lớn, phục vụ hoạt động tác chiến của binh sĩ, tàu thuyền, máy bay điều khiển từ xa, máy bay không người lái và các thiết bị khác.

Một vệ tinh WGS của Mỹ trong quá trình chế tạo. Ảnh: aviationnews.eu

Dự kiến sau khi được điều chỉnh vào vị trí tối ưu trên quỹ đạo, vệ tinh WGS 5 sẽ bắt đầu hoạt động và cung cấp hỗ trợ viễn thông cho quân đội Mỹ hoạt động tại khu vực châu Mỹ. Trang web space.com dẫn lời ông Lu-kê So-bơ (Luke Schaub), Giám đốc bộ phận WGS tại Trung tâm các hệ thống không gian và tên lửa ở Lốt An-giơ-lét cho biết: “WGS 5 sẽ giúp mở rộng hơn nữa hiệu quả của hệ thống WGS, bao gồm tăng cường khả năng liên lạc cho Mỹ và 6 đối tác quốc tế (gồm Ca-na-đa, Đan Mạch, Hà Lan, Lúc-xăm-bua, Niu Di-lân và Ô-xtrây-li-a), với phạm vi bao phủ gần như toàn cầu”.

Như đã nói ở trên, WGS 5 là vệ tinh thứ 5 của chương trình chủ chốt nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông chính của quân đội Mỹ, với mục tiêu thay thế hệ thống liên lạc vệ tinh quốc phòng (DSCS) đã lỗi thời, đặc biệt khi phục vụ nhu cầu liên lạc trong công tác chỉ huy tác chiến, tình báo, do thám và giám sát. Được sản xuất bởi Tập đoàn Boeing, các vệ tinh WGS có năng lực cao hơn nhiều so với vệ tinh DSCS xét về tốc độ xử lý và nhận dữ liệu.

Ngoài ra, theo ông Mắc Xpi-oắc (Mark Spiwak), một chuyên gia của Boeing, WGS là hệ thống vệ tinh viễn thông năng lực mạnh nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay. Dự kiến trong vài năm tới, Mỹ sẽ phóng thêm 5 vệ tinh WGS nữa để hoàn thiện hệ thống vệ tinh quân sự tiên tiến và rộng khắp của mình.

Hệ thống vệ tinh quân sự chiến lược

Ngay từ tháng 10-2007, Mỹ đã phóng vệ tinh WGS đầu tiên phục vụ hoạt động của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương. Tiếp đến là WGS 2, được phóng vào tháng 4-2009, có nhiệm vụ bao quát Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và các khu vực khác của Tây Nam Á và WGS 3 (phóng tháng 12-2009) phục vụ Bộ tư lệnh châu Âu và châu Phi, đồng thời hỗ trợ khu vực Trung Đông. Hệ thống vệ tinh quân sự toàn cầu của Lầu Năm Góc dần được hoàn thiện với việc phóng WGS 4 vào tháng 1-2012 nhằm bao quát Trung Đông và Đông Nam Á. Việc WGS 5 vừa qua được phóng lên quỹ đạo được coi là một cột mốc quan trọng, bởi với phạm vị hoạt động trải rộng khắp châu Mỹ, WGS 5 sẽ giúp lấp được lỗ hổng vệ tinh chiến lược của Mỹ tại khu vực này.

So với ba vệ tinh đầu tiên, WGS 4 và WGS 5 còn được nâng cấp theo hướng tăng khả năng liên lạc với máy bay không người lái. Hai vệ tinh này đóng vai trò quan trọng và thiết thực trong chiến lược quân sự và chống khủng bố hiện nay của Nhà Trắng.

Bên cạnh đó, theo thông báo của Boeing, Tập đoàn này đã hoàn tất WGS 6 và sẵn sàng phóng lên quỹ đạo trong năm nay, trong khi các vệ tinh WGS được đánh số thứ tự từ 7 đến 10 vẫn đang trong giai đoạn chế tạo.

Việc mở rộng hệ thống vệ tinh WGS sẽ giúp Quân đội Mỹ nâng cao khả năng truyền tải thông tin cho lực lượng mặt đất và chuyển tiếp dữ liệu cũng như hình ảnh từ máy bay trinh sát, giúp cho việc chỉ huy tác chiến của Mỹ trên toàn thế giới diễn ra thuận lợi hơn. Quá trình thông tin liên lạc của các binh sĩ Mỹ trên chiến trường cũng sẽ được bảo đảm ngay cả trong trường hợp một hoặc nhiều nút liên lạc quan trọng bị lỗi.

Ít ngày trước khi phóng WGS 5, Oa-sinh-tơn cũng đã đưa vào hoạt động một vệ tinh quân sự mới mang tên GEO-2, được thiết kế hồng ngoại nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo. Theo RIA Novosti, GEO-2 là vệ tinh thứ hai trong hệ thống hồng ngoại không gian (SBIRS), một chương trình nhằm cung cấp cho lực lượng quân đội Mỹ thông tin cảnh báo về các cuộc tấn công hạt nhân của đối phương. "Các vệ tinh này sẽ đưa ra những cảnh báo sớm về sự đe dọa của các tên lửa chiến lược đối với an ninh quốc gia Mỹ”, tướng Uy-li-am Sen-tơn (William Shelton), Tư lệnh Không quân Vũ trụ Mỹ cho hay.

GEO-2 được cho là sự bổ sung hoàn hảo cho hệ thống đánh chặn tên lửa cũng như các trạm ra-đa cảnh báo sớm của Quân đội Mỹ trong việc phát hiện, theo dõi và đánh chặn các tên lửa của đối phương khi xảy ra sự cố. Vụ phóng vệ tinh GEO-2 cũng được tiến hành vào thời điểm hết sức đặc biệt, khi Triều Tiên liên tục công khai tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Oa-sinh-tơn.

Lực lượng không quân Mỹ cũng hy vọng vào năm 2016 sẽ có tổng cộng sáu vệ tinh như trên trong quỹ đạo.

Những nỗi lo tiềm ẩn

Được coi là quốc gia có năng lực vệ tinh do thám quân sự mạnh nhất trên thế giới, nhưng Mỹ vẫn không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống vệ tinh quân sự của mình, vừa để phòng thủ, vừa để giám sát hoạt động quân sự của các nước và phục vụ cho việc tác chiến khi cần thiết. Hai vụ phóng vệ tinh WGS 5 và GEO-2 vừa qua chính là sự cụ thể hóa của chiến lược dài hơi đó.

Tuy nhiên, việc duy trì một hệ thống vệ tinh rộng khắp như vậy cũng gặp phải không ít khó khăn, trước hết là về tài chính. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ cần tới sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế như Ca-na-đa, Đan Mạch, Hà Lan, Lúc-xăm-bua, Niu Di-lân và Ô-xtrây-li-a trong việc phát triển hệ thống vệ tinh WGS toàn cầu của nước này.

Bên cạnh đó, ngay cả Mỹ cũng phải thừa nhận rằng các vệ tinh quân sự của họ hiện cũng đang đứng trước nhiều mối đe dọa. Chỉ vài ngày trước khi phóng WGS 5, Roi-tơ dẫn lời các quan chức tình báo và quân sự Mỹ cáo buộc Trung Quốc tiến hành thử nghiệm vũ khí tiêu diệt vệ tinh và mục tiêu chính là các vệ tinh của Mỹ. Trong khi Bắc Kinh khẳng định đây thực chất là vụ phóng tên lửa mang theo một thiết bị khoa học để nghiên cứu từ trường của Trái Đất, Lầu Năm Góc cho biết, họ không phát hiện vật thể nào tách ra khỏi tên lửa nói trên và khẳng định Trung Quốc phóng tên lửa này là để thử khả năng phá hủy vệ tinh trên quỹ đạo.

Trên thực tế, lâu nay Mỹ vẫn tỏ ra lo ngại và đề phòng việc Trung Quốc phát triển công nghệ tên lửa phá hủy vệ tinh, nhất là sau khi Bắc Kinh bắn tên lửa làm hỏng một vệ tinh của nước này vào năm 2007.

Gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định đã đến lúc Oa-sinh-tơn phải bảo vệ các vệ tinh quân sự và phát triển cách chống lại năng lực không gian của các quốc gia khác.

TRUNG DŨNG