Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đã thông tin, cáp quang biển TVH, 1 trong 2 tuyến cáp quang biển chuyển tải hầu hết lưu lượng thông tin liên lạc của Việt Nam đi quốc tế bị cắt trộm, đã hoàn thành việc sửa chữa vào ngày 29-6, sớm hơn dự kiến khoảng 10 ngày.
Có rất nhiều điều thú vị trong quá trình sửa chữa trên biển.
Tàu cáp chuyên dụng được Tập đoàn BC&VT (VNPT) thuê sửa chữa tuyến cáp quang TVH là tàu Asean Restorer thuộc Cty Asean Cableship Ltd. của Singapore. Cả vùng biển Thái Bình Dương chỉ có 3 tàu của Cty này hoạt động nên việc thuê tàu trong những trường hợp khẩn cấp không hề dễ dàng.
 |
Chuẩn bị thả cáp xuống biển. (Ảnh: Phạm Tuấn Nhơn) |
Ông Lâm Quốc Cường – Phó Giám đốc Cty Viễn thông Quốc tế (VTI), đơn vị trực thuộc VNPT được giao trực tiếp quản lý 2 tuyến cáp quang biển TVH và SMW3, cho hay thủ tục cho phép tàu cáp chuyên dụng vào lãnh hải Việt Nam được hoàn thành trong vòng 3 ngày, thời gian ngắn kỷ lục.
Theo ông Phan Tấn Nhơn, chuyên viên kỹ thuật VTI được cử lên tàu giám sát việc sửa chữa, tàu Asean Restorer được sản xuất tại Phần Lan năm 1994. Cho đến thời điểm này, đây vẫn là loại tàu cáp chuyên dụng hiện đại nhất. Nó được điều khiển tự động hoàn toàn, không cần thả neo khi đậu ở một điểm cố định trên biển khơi nhằm bảo vệ cáp bị neo tàu cắt đứt khi tàu rải cáp.
Ngay cả trong trường hợp bị sóng to, gió lớn đẩy ra khỏi vị trí cố định khi rải cáp, tàu sẽ tự động định vị và điều chỉnh về vị trí ban đầu. Điều đặc biệt là hành trình của tàu được lập trình, không cần người lái khi đặt chạy ở chế độ tự động. Mọi hoạt động khác của tàu cũng hầu hết là tự động.
Cáp quang là phương tiện truyền tải dữ liệu thông tin phổ biến nhất hiện nay. Nó đã gần như thay thế hoàn toàn loại cáp đồng trước đây.
Trong cáp quang, sợi quang được sản xuất chủ yếu bằng vật liệu silic trong suốt có thể truyền được ánh sáng. Tín hiệu thông tin cũng được xử lý thành tín hiệu ánh sáng.
Cáp quang có thể truyền tải lưu lượng đến 10.000 Gbps, gấp hàng nghìn lần lưu lượng cáp đồng. |
Tàu có 65 thành viên, trong đó có 3 thành viên nữ cộng với 2 chuyên viên của VNPT được cử đến giám sát việc sửa chữa. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tàu cáp trong quá trình sửa chữa cáp, VNPT đã đề nghị Quân chủng Hải quân điều động 2 tàu tuần tra hộ tống tàu Asean Restorer.
Những đoạn cáp bị đứt, dài 98 km, chủ yếu nằm trên phần lãnh hải Việt Nam, ngoài khơi vùng biển Cà Mau. Công việc chuẩn bị được tàu cáp tiến hành từ ngày 10/6. Sáng sớm 20/6, tàu cáp đến điểm A trên vùng biển Cà Mau, nơi đầu cáp hướng về phía Việt Nam, mang theo hơn 100 km cáp quang, có đường kính 6 cm, và 1 thiết bị lặp (repeater - hay còn gọi là thiết bị khuyếch đại tín hiệu) trong kho dự trữ.
Chính điều này đã làm giá thành khắc phục sự cố tuyến TVH giảm xuống 1 nửa so với dự kiến ban đầu (1,3 triệu USD). Theo ông Lâm Quốc Cường, thiết bị khuyếch đại tín hiệu vào thời điểm mua năm 1994 có giá 800.000 USD. Thiết bị dài khoảng 2 mét, nặng gần 400 kg này cũng bị lấy trộm trong thời điểm cáp quang TVH bị cắt trộm.
Ngay khi đến điểm tập kết, tàu bắt đầu rải cáp xuống biển dưới sự bảo vệ của 2 tàu tuần tra Hải quân. Cáp nằm trên cát dưới đáy biển với độ sâu 40 mét.
Ông Phan Tấn Nhơn cho biết chỉ có 2 km cáp quang (đoạn thiết bị khuyếch đại tín hiệu đi qua) được chôn sâu dưới mặt cát đáy biển khoảng 2 mét. Việc chôn cáp dưới đáy biển do robot thực hiện. Sau khi đoạn cáp cuối cùng được nối thành công ngày 29/6, tàu Asean Restorer đã rời lãnh hải Việt Nam.
Ngay trong ngày, các chuyên gia VTI phối hợp cùng các thành viên quản lý hệ thống cáp TVH thực hiện đo thử đảm bảo chất lượng thông tin liên lạc. Sau đó, toàn bộ lưu lượng thông tin đã được chuyển từ tuyến cáp quang khác về TVH như trước thời gian tuyến này bị cắt trộm.
Theo TPO