Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến người dân

QĐND Online - Trên thế giới, khoảng 150.000 người chết và 5 triệu người ốm một khi biến đổi khí hậu (BĐKH)gia tăng.Riêng ở Việt Nam, dự báo 22 triệu người sẽ lâm vào cảnh khốn cùng do mất đất ở bởi nước biển dâng vào năm 2100 . BĐKH đe doạ cuộc sống con người: dịch bệnh, nghèo đói, tranh chấp tài nguyên vàdẫn đến xung đột, bất ổn xã hội...Nhưng hiện nay nhận thức của cả mọi người dân Việt Nam về BĐKH vẫn còn rất hạn chế.

Khoảng 150.000 người chết và 5 triệu người ốm do BĐKH mỗi năm

Những nghiên cứu mới nhất của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi khí hậu) đã phác thảo một viễn cảnh kinh hoàng về BDKH. Khi Trái đất nóng lên sẽ kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng. Có khoảng 20-30% các loài động, thực vật có nhiều nguy cơ bị diệt chủng nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm từ 1,5-2,50 C so với mức trung bình của 20 năm cuối thế kỷ XX.

 

 

Điều khiến các nhà khoa học Việt Nam lo lắng, đó là nguồn nước phục vụ cuộc sống và nông nghiệp. Gần 60% nguồn nước của Việt Nam là quá cảnh từ nước ngoài, chủ yếu qua các hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long. Đó cũng là lý do tại sao năm 2007 mực nước sống Hồng của VN cạn ở mức kỷ lục trong vòng 100 năm qua.

Theo khuyến cáo của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP, với nhiệt độ tăng lên 2 độ C và mực nước biển dâng 1m sẽ làm cho 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa. Trong khi VN là nước nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đô thị công nghiệp không có nước thì sống bằng nghề gì? Hiện tượng tị nạn môi trường sẽ xảy ra và kéo dài trên diện rộng. Với đất đai đã có chủ sử dụng, đã quy hoạch, giao thông và thông tin thuận lợi, các dòng dân di cư sẽ khác xa so với trước đây. Dòng người tị nạn xâm nhập dần vào các đô thị ít chịu ảnh hưởng của BĐKH, tạo ra các khu dân cư kiểu “xóm liều, ổ chuột”, gia tăng lực lượng lao động giản đơn, bán hàng rong, tạo thành các nhóm dân lang thang trong đô thị (floating peoples), góp phần nông thôn hoá đô thị và làm cho quy hoạch các khu vực đô thị trở thành không thể kiểm soát được.

Đồng thời, khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh cũ và dịch bệnh mới phát triển mà con người khó có thể kiểmsoát được như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não (truyền qua muỗi); các bệnh đường ruột (qua môi trường nước), các bệnh suy dinh dưỡng, bệnh phổi... Những bệnh này đặc biệt ảnh hưởng lớn đến các vùng kinh tế kém phát triển, đông dân và có tỷ lệ đói nghèo cao. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BĐKH làm tăng tỷ lệ bệnh sốt rét, tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Dự báo mỗi năm biến đổi khí hậu sẽ làm khoảng 150.000 người chết và 5 triệu người ốm.

Cần đầu tư cho giáo dục và nâng cao tay nghề

Ảnh hưởng của BĐKH đến Việt Nam là khủng khiếp như vậy. Nhưng Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, nhà sử học, Dương Trung Quốc, nhận thức của mọi người dân Việt Nam về tác động, ảnh hưởng BĐKH đối với đời sống kinh tế xã hội vẫn còn rất là thấp. Mặc dù theo đánh giá của các cơ quan về BĐKH của Việt Nam cũng như của nước ngoài thì nhận thức của Việt Nam về BĐKH đã tăng lên gấp đôi so với năm 2006. Nhưng so với thực tế và diễn biến của BĐKH thì nhận thức của cả dân trí và quan trí Việt Nam về BĐKH vẫn còn rất hạn chế. Chúng ta vẫn sống theo thói quen “nước đến chân mới nhảy”; “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”. Trong khi đó, BĐKH và nước biển dâng ở nước ta trong 30 năm tới vẫn là không tránh khỏi.

Ông Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí thượng Thuỷ văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, song song với nâng cao nhận thức năng lực cộng đồng về BĐKH thì cần cảnh báo sớm, dự báo sớm về BĐKH để có những biện pháp phòng tránh cụ thể. Bên cạnh đó trong quy hoạch đất phải tránh những vùng có ảnh hưởng của BĐKH. Trong xây dựng các công trình ven biển nhất là các công trình có tuổi thọ lâu đời phải tính đến những tác động của BĐKH và nước biển dâng. Đối với các ngành như nông nghiệp phải có quy hoạch về cây trồng và mùa vụ để giảm thiểu tác hại của BĐKH. Nhưng điều quan trọng đặc biệt là mỗi địa phương mỗi gia đình cần chủ động trong việc ứng phó và thích nghi với BĐKH.

Bài, ảnh: Vương Thúy